Trong nước

Quốc hội đánh giá công tác cả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng

Với số phiếu thuận gần như tuyệt đối, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2016. Kỳ họp đầu năm, Quốc hội sẽ đánh giá công tác trong cả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, UB Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng…

Quốc hội đánh giá công tác cả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng
Đã gần trọn nhiệm kỳ 5 năm trôi qua kể từ khi Quốc hội khoá XIII bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng vào tháng 7/2011 (ảnh: Việt Hưng).

Cụ thể, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII dự kiến tổ chức vào tháng 3/2016, Quốc hội không giám sát chuyên đề mà chỉ tiến hành thảo luận báo cáo của Chính phủ và kinh tế, xã hội, ngân sách và xem xét kết quả giám sát kiến nghị của cử tri như mọi kỳ họp khác.

Thay vào đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 (dự kiến tổ chức trong tháng 7/2016), Quốc hội cũng sẽ chỉ thảo luận về báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ và xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 14 và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau đó đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa mới (tháng 10, 11/2016), hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn mới trở lại. Đồng thời Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trước đó, công bố kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này, báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội thể hiện, bên cạnh 64% đại biểu chọn chuyên đề giám sát như trên, cũng còn hơn 21% đại biểu muốn giám sát về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2025.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giám sát về lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản do tình hình hiện nay rất phức tạp; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, trong việc phòng chống tham nhũng; chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường…

UB Thường vụ Quốc hội nhận định, các ý kiến đều nêu ra những nội dung quan trọng, cấp thiết trong đời sống kinh tế – xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, do điều kiện có hạn nên không thể đưa quá nhiều nội dung nên Thường vụ chỉ chọn nội dung giám sát chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Những nội dung khác, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội giao Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát theo lĩnh vực phụ trách.

Tại kỳ họp này, phiên thảo luận về chương trình giám sát cho năm sau đã không có một đại biểu nào đăng ký phát biểu và Quốc hội nghỉ lúc chưa đến 9h30.

P.Thảo/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP