Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Cần xem xét kỹ việc đầu tư khai thác tài nguyên, khai thác phải gắn chặt với bảo vệ môi trường… |
Tuy vậy, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn Kỳ Anh còn tồn tại nhiều hạn chế như: một số chính quyền cấp xã chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật và các nội dung quy định tại giấy phép; hoạt động khai thác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, việc vận chuyển khoáng sản quá tải gây hư hỏng, xuống cấp cở sở hạ tầng đường giao thông; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn các xã: Kỳ Phú, Kỳ Hoa, Kỳ Tiến, Kỳ Phương…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, việc thực hiện Luật Khoáng sản tại địa bàn Kỳ Anh vẫn chưa nghiêm; các văn bản kiểm tra, chỉ đạo của địa phương còn chung chung, chưa sát với thực tế; chưa đặt việc quản lý tài nguyên khoáng sản thành một nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền nhiều xã vẫn chưa xác định và phát huy được quyền hạn, trách nhiệm của mình trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản; các ngành chức năng làm việc chưa cụ thể, chưa rõ ràng, phối hợp thiếu chặt chẽ và có dấu hiệu buông lỏng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu thời gian tới, huyện Kỳ Anh và ngành chức năng cần xem xét kỹ việc đầu tư khai thác tài nguyên, khai thác phải gắn chặt với bảo vệ môi trường; minh bạch trong việc quản lý, khai thác, đồng thời phải thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ khi khai thác tài nguyên; cần tuyên truyền sâu rộng Luật Khoáng sản, đồng thời gắn trách nhiệm cho các cấp chính quyền trong việc quản lý hoạt động khai thác; tăng cường phối kết hợp giữa địa phương với các ngành trong công tác giám sát, quản lý tài nguyên khoáng sản…
Phúc Quang