Xe

Ô tô Trung Quốc đẹp long lanh giảm 100 triệu tại Việt Nam, có xe SUV chỉ còn hơn 400 triệu

Nhiều mẫu ô tô Trung Quốc đang được giảm giá mạnh tại thị trường Việt Nam, nhằm giải phóng hàng tồn kho.

Theo Người lao động, để giải phóng tồn kho, các hãng và đại lý ô tô Trung Quốc đưa ra mức giá giảm đến gần 100 triệu đồng/chiếc, kéo theo lượng tiêu thụ tăng.

Hàng loạt mẫu xe Trung Quốc giảm giá đáng kể từ giữa tháng 8 cho đến đầu tháng 9. Chẳng hạn, BAIC X55 giảm từ 550 triệu đồng/chiếc xuống còn 488 triệu đồng/chiếc, BAIC Q7 giảm 90 triệu đồng còn 498 triệu đồng/chiếc, Zotye Z8 giảm mạnh từ 758 triệu đồng còn 668 triệu đồng/chiếc. Brilliance V7 giảm từ 738 triệu đồng xuống 718 triệu đồng/chiếc.

BAIC X55 giảm từ 550 triệu đồng/chiếc xuống còn 488 triệu đồng/chiếc.

Tương tự, các mẫu xe của Dong Feng như T5, X5 cũng giảm giá vài chục triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, thương hiệu xe MG nhập khẩu Trung Quốc vừa tham gia thị trường Việt Nam với 5 mẫu cũng đưa mức giá chỉ từ 515 triệu đồng/chiếc và áp dụng ngay chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, bảo hành 5 năm không giới hạn số km cùng 5 lần bảo dưỡng miễn phí toàn phần.

Đại diện đại lý Max Auto Sài Gòn (phân phối nhiều mẫu xe Trung Quốc tại TP HCM) lý giải giá xe Trung Quốc giảm là do tình hình dịch Covid-19 trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch khiến thị trường ô tô sụt giảm mạnh, nếu không giảm giá để hút khách thì kinh doanh sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các hãng xe trên thị trường đều đua nhau giảm giá mạnh nên xe Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc.

Mức giảm giá nêu trên đã khiến các mẫu xe Trung Quốc càng có tính cạnh trạnh với các đối thủ cùng phân khúc tại Việt Nam. Đơn cử, mẫu BAIC X55 có kích thước tương đương các mẫu xe phân khúc crossover hạng C như Hyundai Tucson, Honda CR-V, song mức giá rẻ hơn nhiều. Hyundai Tucson có giá niêm yết từ 799 triệu trong khi Honda CR-V giá từ 983 triệu đồng.

Những chiếc xe hơi Trung Quốc nổi tiếng về mức giá cả phải chăng và mẫu mã bên ngoài đẹp, song bị đánh giá thấp bởi thường xuyên nhái sản phẩm của các thương hiệu lớn.

Theo một chuyên gia về ô tô, chính sự chắp vá máy móc, kiểu dáng, công nghệ và đa phương tiện, nên có thể nhìn xe Trung Quốc đẹp song người ta đặt câu hỏi về chất lượng các mẫu xe trên có thực sự tốt khi mà nhà sản xuất không đi từ cốt lõi, chưa phân phối độc quyền.

Thực tế, theo một số chuyên gia, quá trình chuyển giao và lớn mạnh của các thương hiệu xe các quốc gia đều là sự học hỏi lẫn nhau. Ngành xe hơi của Hàn Quốc cũng từng học hỏi và cạnh tranh quyết liệt với ngành xe hơi Nhật Bản để cho ra đời những hãng xe mang thương hiệu đất nước này. Hay Thái Lan dù là nước sản xuất xe lớn của thế giới nhưng không hề có mẫu xe thương hiệu quốc gia, song xe sản xuất tại đây vẫn được thừa nhận nhiều ở các quốc gia khác bởi tuân thủ theo chuỗi sản xuất và thương hiệu thế giới.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xe nhưng trước năm 2018 hầu hết là lắp ráp từ các hãng, chỉ đến năm 2019 VinFast ra mẫu xe riêng trên cơ sở mua công nghệ, máy móc nước ngoài để thiết kế một mẫu xe Việt hoàn chỉnh.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa xe hơi và chuỗi sản xuất, việc học hỏi, mua công nghệ, máy móc và đa dạng hóa linh kiện, thậm chí mua thiết kế các hãng lớn không làm xấu đi uy tín các hãng xe hoặc ảnh hưởng đến chất lượng xe.

Điều quan trọng nhất là các hãng, doanh nghiệp phải "đánh bài ngửa" với người tiêu dùng về công nghệ này, thiết bị này tốt hay không tốt, sự kết hợp các công nghệ đem đến nhưng gì cho người tiêu dùng và để thuyết phục khách hàng, giá cả chưa hẳn quan trọng mà chính là thái độ làm ăn chân chính và uy tín thương hiệu mang tầm quốc gia", một chuyên gia xe hơi bình luận.

Tác giả: Thu Hà (T/h)

Nguồn tin: vietq.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP