Kinh tế

Nuôi hươu giúp hàng ngàn hộ dân miền núi ở Hà Tĩnh thoát nghèo

Nhờ thu nhập khá cao và ổn định, nghề nuôi hươu đã được huyện miền núi Hương Sơn chú trọng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Nghề nuôi hươu đang mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).


Hiệu quả kinh tế cao

Từ lâu, hươu sao đã được thuần hóa và nuôi trong các hộ gia đình ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) và chỉ có những gia đình phong lưu, khá giả mới có điều kiện để chăn nuôi loại động vật trên. Họ nuôi hươu không những để lấy nhung (làm thuốc và bồi bổ sức khỏe) mà còn là thú vui với cảnh điền viên.

Ngày nay, nhận thấy lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng rừng núi cùng với việc thu nhập khá cao và ổn định nên nghề chăn nuôi hươu đã được bà con nông dân ở địa phương này chú trọng. Nhiều hộ chăn nuôi không chỉ đầu tư tăng số lượng mà ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ các mô hình chăn nuôi hươu, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Nhung hươu được xem là thứ "đại bổ" đối với sức khỏe con người.


Hươu sao là loài động vật ăn cỏ bán hoang dã nên sức đề kháng rất tốt, ít bệnh tật và là vật nuôi được đánh có nhiều ưu điểm hơn so với các động vật ăn cỏ khác. Thức ăn chủ yếu của hươu là các loại lá, quả, trái cây, cỏ sẵn có trong vườn, rừng, rất dễ kiếm nên chi phí nuôi hươu thấp.

Ông Bùi Kim Thắng (thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn) cho biết, gia đình ông nuôi hươu gần 30 năm nay, hiện tổng đàn hươu của ông có 12 con. Hàng năm, nếu thuận lợi sẽ mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 80 - 100 triệu đồng.

"Năm nay nhung được mùa này được giá, những cặp nhung đẹp có trọng lượng trên 1kg không cần bán cho thương lái mà thường có khách trực tiếp tới mua với giá 12 triệu đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi bán 3 cặp nhung hươu mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng", ông Thắng nói.

Theo người dân Hương Sơn, hươu dễ chăm sóc, lượng thức ăn ít hơn rất nhiều so với nhiều các loại gia súc khác nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng giờ đây họ đã có cách chăm sóc hươu để thu mỗi năm 2 lứa, với mỗi cặp bình quân 0,8 - 1kg, cá biệt hươu khỏe có thể cho "lộc" nặng đến 2kg.

"Nuôi hươu mang lại kinh tế cao hơn nhiều lần so với trâu bò. Nếu tính lượng thức ăn, một con bò nái có thể ăn bằng 5 con hươu. Một người khỏe mạnh kiếm nguồn thức ăn cho 2 con bò nái là vất vả nhưng chăm 7 - 8 con hươu là bình thường. Trong khi đó hươu cho thu hoạch nhung 2 lần/năm", bà Lê Thị Hương (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) cho biết.

Một cặp nhung "khủng" của người dân ở Hương Sơn được bán với giá hơn 100 triệu đồng.


Ngoài nuôi hươu lấy nhung, theo người dân Hương Sơn, việc kết hợp nuôi hươu nái cũng tạo thêm nguồn thu nhập khá lớn. Mỗi năm, hươu cái sinh sản một lần, nếu sinh con đực sẽ bán giống với giá từ 15-25 triệu đồng/con, còn sinh hươu cái thì 8-10 triệu đồng/con. Như vậy, mỗi cặp hươu bố mẹ có thể cho thu nhập từ 20-50 triệu/năm nên nghề nuôi hươu mang lại kinh tế rất cao.

Đẩy mạnh phát triển

Là một trong những địa phương được xem như “thủ phủ” nuôi hươu ở huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho hay, toàn xã có 80% số hộ chăn nuôi hươu với tổng đàn trên 4.100 con. Năm nay, nhung hươu được mùa nên sản lượng cũng tăng hơn các năm trước, ước đạt khoảng 1,9 tấn, mang lại thu nhập cho người dân địa phương trên 22 tỷ đồng.

“Nhằm khuyến khích bà con đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo địa phương cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân trong phát triển tổng đàn và nâng cao chất lượng con giống để có thu nhập cao hơn”, ông Thắng thông tin thêm.

Anh Lê Văn Hòa (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) cho biết, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành nên từ việc chăn nuôi một vài con hươu, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi trên 10 con. Đến nay, mỗi năm đàn hương đem lại thu nhập cho gia đình anh gần 100 triệu đồng.

“Nhờ có đàn hươu mà kinh tế gia đình tôi cũng như các hộ gia đình ở đây mấy năm nay rất ổn định và đang thay đổi từng ngày, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Hươu đã thực sự giúp người dân Hương Sơn chúng tôi thoát khỏi cái nghèo”, anh Hòa phấn khởi nói.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của các cấp ngành, người dân Hương Sơn đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi hươu.


Ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 8.000 hộ chăn nuôi với khoảng hơn 36.000 con hươu. Ước tính năm 2022. có khoảng 7 nghìn con hươu cho thu hoạch nhung, với sản lượng đạt khoảng trên 15 tấn, giá bình quân 12 triệu đồng/kg, người nuôi hươu thu về khoảng 180 tỷ đồng.

Hươu sao là loài động vật đang được bảo tồn ở Việt Nam hiện nay và Hương Sơn được coi là vùng đất thủy tổ của loài hươu ở nước ta. Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho “Hươu giống, nhung hươu Hương Sơn”. Với lợi thế sẵn có về nguồn thức ăn dồi dào, sự chăm sóc chu đáo của người chăn nuôi, chất lượng nhung hươu ở Hương Sơn rất được người tiêu dùng tin cậy về chất lượng.

“Huyện xác định chăn nuôi là trọng điểm trong phát triển kinh tế, trong đó nuôi hươu là chủ lực, vì vậy huyện đang có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát triển đàn hươu. Huyện sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi cơ sở chăn nuôi mới với quy mô trên 50 con để mua giống và xây dựng chuồng trại. Với các hộ chăn nuôi nhỏ từ 10 con trở lên, huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/ con”, ông Đức cho biết thêm.

Tác giả: Tiến Hiệp

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP