Thạch Hà

Nộp phí, thuế mới được nhận gạo cứu đói

Chuyện xảy ra ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ai “chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế”, phải nộp đủ mới được nhận gạo. Thế nên có chuyện một gia đình vừa nhận gạo phải bán luôn một nửa để nộp thuế, phí cho xã, không khác gì cảnh xiết nợ. Không những thế, còn xuất hiện nhiều khoản chi mờ ám từ khoản thu phí vô lý…

Người dân Thạch Bàn sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác đá. Sau vụ sập mỏ đá làm chết 7 người cách đây hơn 1 năm, các mỏ đá bị cấm khai thác người dân lại càng túng bấn. Vì lẽ đó, trong đợt cấp gạo cứu đói cho dân nghèo của Chính phủ gần đây, xã Thạch Bàn thuộc vào diện ưu tiên khi nhận được 90 tấn gạo, trong đó riêng 4 thôn khó khăn nhất là: Tân Bằng, Đồng Thanh, Vĩnh Long, Tiền Phong được nhận 76 tấn. Tuy nhiên, để nhận được gạo cứu đói của Chính phủ, các hộ dân đã phải nộp rất nhiều khoản phí vô lý…


Đi kèm với thông tin vui có gạo cứu đói của Chính phủ, tất cả người dân 8 xóm xã Thạch Bàn nhận được “tin buồn” từ các trưởng thôn: Muốn nhận gạo cứu đói thì phải nạp 20.000 đồng/tạ cho xã để “hỗ trợ tiền vận chuyển”. Đói lâu ngày quá, nay nghe tin có gạo, mà lại có khá nhiều nên ai nấy cũng đều kiếm tiền nộp cho xóm để nhận gạo. Mặc dù biết thu tiền để cấp gạo dù ít, dù nhiều cũng đều sai nhưng do cần gạo quá nên ai cũng đóng. Ai không có thì đi vay, đi mượn tạm, sau đó bán gạo trả. Thế nhưng, chỉ đóng tiền “hỗ trợ vận chuyển” không thôi cũng chưa đủ mà các xóm lại nhân cơ hội này để “truy thu” các khoản nợ của dân trước đó. Nếu không nộp đủ cũng không được nhận gạo. Lại “tin buồn” nữa nhưng người dân vẫn phải bấm bụng. Do không có công ăn việc làm nên việc nộp một vài trăm nghìn tiền thuế là điều vô cùng khó khăn của rất nhiều gia đình trong xã. Vì vậy, khi phải hoàn nợ để nhận gạo cứu đói, nhiều nhà phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn, dù biết rằng như thế là vô lý.


Một cụ ông (xin giấu tên) ở xóm 7 kể rằng, từ khi mỏ đá bị cấm khai thác, con dâu và con trai ông thất nghiệp nên phải vào Nam kiếm sống, để lại hai đứa cháu (đang là học sinh PTCS) cho ông bà trông nom. Làm ăn khó khăn nên đến nay vẫn còn nợ xã hơn 300 ngàn đồng các loại phí và thuế. Khi ông đến nhận gạo thì thôn không cho nên ông phải đi vay khắp nơi. Nhận được 94 kg, ông đã phải bán đi già nửa số gạo mới trả đủ nợ. Vậy là gạo cứu đói của Chính phủ cho gia đình 94 kg nhưng mấy cháu ông chỉ còn chưa đầy 50 kg. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả các xóm ở Thạch Bàn đều lợi dụng việc cấp gạo cứu đói của Chính phủ cho dân để “xiết nợ” như thế này. Tại xóm 8 xã Thạch Bàn, xóm trưởng Nguyễn Hữu Sơn cho biết, qua đợt này xóm ông thu được 5,6 triệu tiền thuế. Không biết cách làm này có sự chỉ đạo của xã hay chỉ là “sáng kiến” của các thôn?!


Mặc dù trước lúc phát gạo cứu đói, UBND huyện Thạch Hà đã có văn bản hướng dẫn cán bộ UBND xã phải tự thuê xe đi nhận gạo và tiến hành cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng; ưu tiên những gia đình đặc biệt khó khăn, tuyệt đối không chia bình quân… Thế nhưng, bất chấp lệnh trên, xã lại tùy tiện phát theo cách chia đều. Đói cũng phát mà no cũng phát. Lấy tổng gạo có được chia ra, bình quân đầu người toàn xã, mỗi khẩu là 23,5 kg. Vợ con một nạn nhân bị chết do sập mỏ đá (ở thôn 7) cách đây ít lâu, nhà nghèo rớt mùng tơi cũng chỉ được nhận mỗi khẩu 23,5 kg, đúng bằng gia đình ông thôn trưởng, thuộc diện không khó khăn! Các thôn khó khăn nhất là Tân Bằng, Đồng Thanh, Vĩnh Long, Tiền Phong được nhận 76 tấn trong tổng số 90 tấn của toàn xã nhưng rồi cũng được xã cào bằng, cấp đều tất cả các thôn như nhau!


Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lượng – Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn nói: “Việc bắt dân hoàn thành thuế và các khoản phí rồi mới cho nhận gạo thì xã không có chủ trương, tôi không biết. Còn việc thu phí vận chuyển gạo là do xã nghèo, không đủ kinh phí nên mới phải thu như vậy. Lúc đầu ra mức thu 20 nghìn đồng/tạ, nhưng sau đó đã giảm xuống 1 nửa”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế thì các xóm không giảm như ông Chủ tịch nói mà đều thu nguyên 20 ngàn đồng/tạ. Tại thôn 8, không hiểu sao mà có hơn 5 tạ gạo chưa được phát cho dân. Hiện tại, Bí thư và thôn trưởng đã “tranh thủ” bán mất 3 tạ, còn lại 2 tạ vẫn đang được cất trong nhà văn hóa thôn 8.


Tổng số tiền thu của dân trong 90 tấn gạo là hơn 18 triệu đồng, nhưng chỉ nộp về xã 9,1 triệu, số còn lại không biết các xóm sẽ giải quyết thế nào. Trong khi thu của dân đến 18 triệu tiền vận chuyển (20 ngàn đồng x 90 tấn) nhưng toàn bộ chi phí cho việc vận chuyển gạo đợt này chỉ hết hơn 5 triệu, còn lại hơn 3 triệu đồng hiện đang nằm ở xã. Trong các khoản chi đó, có khá nhiều khoản “tế nhị” khiến ông Chủ tịch xã “không thể cho nhà báo xem được”, điển hình như: 200 nghìn chi cho công an vì “chở gạo quá tải”, 200 nghìn “tiền sào” khi đi qua đường xã Thạch Khê (Thạch Hà), 200 nghìn “bồi dưỡng, xăng xe cho 3 cán bộ Hà, Tăng, Sơn”…

Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP