Người đương thời

Nhà báo Anh Bình: Giải báo chí là động lực để cống hiến

Đời người được dệt nên bởi biết bao kỷ niệm, riêng với người làm báo, kỷ niệm trong mỗi lần tác nghiệp luôn có ý nghĩa đặc biệt, thú vị và phong phú. Là người gần 30 năm hoạt động báo chí, tôi trân trọng từng chuyến đi, từng trải nghiệm, từng câu chuyện…, tất cả tạo thành những ký ức sâu đậm và khó quên trong đời.

hatinh24h

Nhà báo Nguyễn Anh Bình.

Kỷ niệm đầu đời làm báo của tôi là đề tài viết về đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre và bản Giàng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng mùa hè năm 1992. Trên chiếc xe đạp cà tàng, cùi bàn đạp nhọn hoắt, tôi tìm đến một quán sửa xe đạp nhờ họ hàn thêm đoạn sắt nữa cho dễ đạp. Vừa bước vào quán, ông thợ sửa xe ngơ ngác nhìn tôi, hỏi : “Chú làm nghề chi mà khổ vậy?” Tôi trả lời: “Dạ, làm báo ạ”. Nghe vậy, ông liền bảo, nếu là nhà báo, tôi bày cho một chỗ mà viết. Ông nói, trên quê tôi ở xã Hương Liên (Hương Khê) còn có bộ tộc ăn lông ở lỗ, 3-4 gia đình ở chung đụng nhau trong mấy nhà sàn xiêu vẹo rách nát, cuộc sống hoang dã lắm…Nghe được đề tài hay, tôi như “hổ đói vớ mồi”, nhảy phốc lên chiếc xe đạp cà tàng vượt rừng núi, đèo dốc hiểm trở, sau gần 2 ngày đêm mới tìm được nơi ở của đồng bào. Thời bấy giờ, ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh ra, chỉ có tôi là nhà báo duy nhất đầu tiên đến với đồng bào.

Sau hơn tuần lễ ăn rừng ngủ lán, phóng sự: “Có một dân tộc thiểu số đang sống khắc khoải giữa núi rừng Hương Khê- cuộc sống du cư hoang dã- bệnh tật đe dọa sự tồn vong”  của tôi được đăng tải trên Báo Nhân dân chủ nhật ngày 13/9/1992. Ngay sau khi báo phát hành, tôi được Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thời bấy giờ gọi tới gặp, bởi sự ngạc nhiên tại sao Hà Tĩnh có đồng bào dân tộc thiểu số thế mà nay nhà báo mới tìm ra? Sau loạt phóng sự nhiều kỳ tôi viết được đăng trên các báo, được Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức xã hội quan tâm rất nhiều đối với đồng bào dân tộc ở 2 bản nói trên. Bây giờ, đồng bào đã có một cuộc sống tiến kịp miền xuôi. Nhà báo Phan Thế Cải viết lời bạt cho tập sách “Con đường mang nặng nghĩa tình” của tôi đã trích 2 câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Hunggari Pê-tô-phi để nói về tôi: “Nơi ta đến không một người chờ đợi. Nơi ta đi bụi đỏ cuốn đường dài”…

Đồng nghiệp gọi đùa tôi là “phóng viên chiến trường”. Quả đúng như vậy. Là nhà báo của nông nghiệp-nông dân-nông thôn, ở đâu xảy ra cháy rừng, ở đâu có lũ lụt, hạn hán, phá rừng… là tôi có mặt kịp thời phản ánh thông tin sớm nhất đến cho bạn đọc. Loạt phóng sự 8 kỳ: “Lâm tặc làm cỏ đại ngàn”  phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng dọc đường Xuyên Á nối từ Cửa khẩu Cha Lo về Vũng Áng – Hà Tĩnh là một trong những loạt bài như thế. Sau loạt bài được đăng tải, các cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện xử lý trên 1.000m3 gỗ lậu; đồng thời khởi tố vụ án phá rừng, nhiều cán bộ kiểm lâm, lâm tặc bị xử lý. Mặc dù không ít lần lâm tặc gọi điện, nhắn tin dọa giết, nhưng tôi vẫn bình tĩnh truy đuổi theo sự kiện đến cùng.

Kỷ niệm buồn vui của nghề báo không thể kể hết, nhưng dù ở đâu, làm gì, tôi cũng luôn giữ bản chất đạo đức của người làm báo. Vì thế gần 30 năm làm báo chuyên nghiệp, tôi đã tích lũy xuất bản được 7 tập sách, phóng sự, bút ký; được Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen; 5 năm liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng, giải thưởng viết về XDNTM. Đặc biệt, trong 5 năm qua, vinh dự lớn lao của tôi là 3 lần được đứng lên bục danh dự toàn quốc nhận giải báo chí viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Báo Nhân dân tổ chức.

Ba lần nhận phần thưởng cao quý này chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Anh Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP