Hà Tĩnh ngày nay

Người lính biên phòng nơi cửa khẩu Cầu Treo

Khác với nhiều đồn biên phòng trên đất Hà Tĩnh, vị trí đồn cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có tầm quan trọng đặc biệt. Núi non hiểm trở bao nhiêu càng tạo điều kiện cho giới buôn lậu hoạt động ráo riết bấy nhiêu.

Không đi được đường chính mạch qua trạm chúng tìm cách đi “cắt rừng”. Chuyện cõng trên vai đồ hàng điện tử gập cả sống lưng đối với giới cửu vạn không còn là chuyện lạ, nhưng chuyện buôn bán ma tuý với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt chính là cái gai nhọn nguy hiểm nhất.Rừng biên giới cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) trong buổi chiều mùa mùa xuân, mỗi khóm lá bờ cây đang phô lên sắc lộc mới. Dấu chân nai, chân hoẵng hằn lên trong lối mòn nhỏ và bóng đàn sóc nhảy nhót chuyền cành càng tăng thêm sức sống mãnh liệt giữa nguyên sơ và hiện đại.Rừng đại ngàn ở cửa khẩu Cầu Treo ken dày cây cổ thụ và những lớp cây trẻ vươn cao tầng tầng lớp lớp trùng điệp. Đàn ong rừng rù rì hút mật mãn nguyện cánh bay trong bát ngát màu hoa… Những bông hoa trắng đậu la đà thả đầy hương thơm trong thung lũng… Những bông hoa đỏ ngỡ như ngọn đèn rừng thao thức cùng chiến sĩ biên phòng trong đêm tuần tra. Lượn quanh cung đàn núi khoảng 20 km tôi vẫn nghe rõ tiếng suối chảy róc rách dưới lòng thung, tiếng chim gọi đàn thấm qua lớp sương trắng tụ trên cây đang ngái ngủ. Xa xa công trình thuỷ điện Hương Sơn đang thời kỳ xây dựng phô ra những con đường xuyên núi đỏ như son. . . Đồn trưởng, thiếu tá Võ Trọng Hải – người được nhiều tờ báo mệnh danh là “người khắc tinh tội phạm” – dường như lúc nào cũng vùi đầu vào nghiệp binh. Anh không chỉ rèn luyện cho bản thân mình một tác phong sinh hoạt gọn gàng, khẩn trương chủ động trước mọi tình huống mà còn luyện cho các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị có “nếp quen” này.Đã làm lính cửa khẩu Cầu Treo phải đạt được tiêu chuẩn 3 biết: Thứ nhất biết đấu tranh phòng chống buôn lậu và tội phạm qua biên giới. Thứ hai biết làm thủ tục nhanh gọn thông thoáng đúng luật cho hành khách qua lại. Thứ ba làm tốt công tác dân vận và thường xuyên giúp đỡ dân. Sứ mệnh lịch sử cao cả mà tổ quốc giao phó cho người chiến sĩ nơi điểm tựa tiền tiêu là phải đảm bảo tốt chủ quyền an ninh biên giới.Thiếu tá Võ Trọng Hải cho biết”: Thời gian qua đồn đã tổ chức tốt các đợt tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc, phối hợp với địa phương tuần tra khu vực vùng lõm, vùng đệm đến 8 đợt với 115 người tham gia. Tham gia tuần tra khảo sát xác định vị trí cột mốc theo chương trình dự án tôn tạo, tăng dày cột mốc biên giới. Hiện nay đã khảo sát song phương được 6 vị trí và khảo sát đơn phương được 4 vị trí mốc mới”.

Ban chỉ huy đồn bàn phương án tác chiến.Năm 2003-2007, đồn cửa khẩu Cầu Treo đã phối hợp với phòng trinh sát phòng chống ma tuý Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phá án thành công 72 vụ gồm 342 đối tượng buôn lậu ma tuý và buôn bán phụ nữ qua biên giới. Trong năm 2008, ba tháng liên tục phá liên tiếp 5 vụ án lớn (trong đó chuyên án mang mã số 127 T là chuyên án có đối tượng liều lĩnh nhất).Đồn phó Lê Hữu Công tâm sự: “Trừng trị được loại này chỉ có dũng cảm thôi chưa đủ mà phải có những phép thần thông biến hoá theo kiểu Tôn Ngộ Không. Phương án tác chiến giỏi thì không gây thương vong cho đối tượng và bảo toàn lực lượng của ta.Năm 2009 đồn lại tiếp tục đấu tranh thắng lợi 12 chuyên án bắt 16 đối tượng (trong đó 8 vụ án ma tuý với 12 đối tượng, 2 vụ với 2 đối tượng phát lệnh truy nã)… Tang vật thu được hơn 352 gram hêrôin, 32,5kg cần sa, 100.000USD, 463. 500 bạt Thái Lan cùng một số tang vật khác”. Khi mỗi ngày người lính biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ càng cảm thấy thanh thản hơn với cuộc sống đời thường. “Đồn là nha, biên giới là quê hương” khẩu hiệu ấy đã ăn sâu vào trái tim người lính. Họ đang tiếp tục xây dựng khu vực cửa khẩu Cầu Treo trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng. Sau lưng đồn là dòng suối nước nóng tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, Nhà máy chế biến nước khoáng Sơn Kim được dựng lên.Trước mặt đồn hình thành một khu nghỉ mát có bể tắm nóng lạnh, và những ngôi nhà lá theo kiểu văn hoá dân tộc của bộ đội Quân khu IV. Không có vẻ trầm mặc nào lại hấp dẫn du khách bằng những phiến đá khổng lồ xếp chồng lên nhau giữa dòng suối nước trong xanh như mắt mèo. Ngồi lên đá có thể nhìn được bốn phía màu xanh. Đồn biên phòng “đại bản doanh” của những người lính chốn thâm sơn cùng cốc này ngày và đêm không hiện lên vẻ u tịch lạnh lẽo, bởi màu xanh sự sống đang đâm chồi nảy lộc.Sau những ngày làm việc căng thẳng, thú vui của người lính biên phòng ở đồn ngoài những buổi ra sân bóng luyện tập là tay cuốc tay ven tham gia sản xuất. Lưỡi cuốc chiến sĩ bổ xuống đất thành những vạt rau xanh. Lưỡi cuốc chiến sĩ bổ xuống đất biến đất hoang thành khoai, thành đậu, thành lạc. Nhìn vào đâu cũng thấy những mảnh vườn chiến sĩ ngời lên màu lá non tơ. Đồn đủ các loài cây quen thuộc như gia đình các anh ở quê, nào chanh nào ổi, nào mít nào chuối…Nhờ các chiến sĩ mát tay chăm sóc nên cây nào cũng lúc lỉu hoa thơm quả ngọt. Thiếu nước, các anh ngăn dòng, xây hồ dẫn nước lên. Hiếm có một hồ có nào đẹp như ở đây, hồ lồng bóng trăng, hồ soi bóng núi, giữa lòng hồ đã được đồn xây một chiếc cầu bằng ximăng có tay vịn nối sang một dãy núi phía đông bắc. Dạo quanh hồ một lượt tôi đã bắt gặp những con trâu đen láng mượt, những con bò vàng ngầy ngậy da. Đàn trâu đàn bò to khoẻ đều là trâu bò của đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo.Đồi núi ở đây ngút ngàn cỏ, bạt ngàn chuối rừng. Nuôi lợn chỉ cần xách dao lên núi đẵn chuối về đủ cho cả đàn ăn no ngủ khoẻ cả ngày. Chuồng trại kiên cố hoá bằng thợ mộc không chuyên, ngoài thứ lợn cỏ quen thuộc, hiện nay các anh nuôi thử nghiệm thêm giống lợn rừng. Xem ra lợn nhà và lợn rừng sống khá hoà thuận với nhau. Khu đất chăn nuôi của đồn rộng gần 1ha, được hoạch định nhiều ô chuồng vuông vắn. Chỗ này “câu lạc bộ” của gà lôi, chỗ kia dành cho nhím”luyện võ”.Ngộ nghĩnh nhất hai chú đà điểu giống ngoại quốc cũng thích về đây định cư. Những ai đã từng sống với các chiến sĩ biên phòng mới hiểu được rằng: Người lính ở đây đâu chỉ giỏi chống buôn lậu, truy bắt tội phạm mà còn giỏi tăng gia sản xuất. Trung bình mỗi năm đồn sản xuất khoảng hơn 20 tấn rau xanh, khoai các loại, 4 tạ cá ao, 50 con lợn, 25 con trâu bò và hàng trăm con gà. Nguồn dinh dưỡng sạch tự chủ này có sự hỗ trợ tiềm năng lợi thế rừng và có giọt mồ hôi siêng năng của lính.Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Thường mỗi lần lên kiểm tra hoạt động của đơn vị đều hài lòng khi thấy cán bộ chiến sĩ nào cũng khoẻ cũng vui. Càng thấy an tâm khi cánh lính của mình đã nhận thức sâu sắc sức khoẻ là tài sản vô giá. Mỗi người tự làm “bác sĩ” cho bản thân để bảo vệ mình và bảo vệ cho đồng đội. Hãy tránh xa những thực phẩm độc và nét quen dùng thực phẩm sạch dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của lính.Phó đồn trưởng Lê Hữu Công dẫn tôi xuống xem khu nhà bếp của tập thể được bài trí rất ngăn nắp gọn gàng, từng lọ đựng dầu ăn đến hộp muối, nồi kho cá thịt. Phía sau sảnh sân rộng xếp một dãy dài các chĩnh sành nước mắm các anh tự làm lấy. Một cán bộ hậu cần cho tôi biết: Từ lâu đồn cửa khẩu Cầu Treo biết vận dụng nguồn nước mắm sạch bằng sự trao đổi thực phẩm với đồn 172. Đồn cửa khẩu đưa rau, chở thịt về xuôi và đồn bạn chở cá, chở mực chở tôm lên mạn ngược.

Các chiến sĩ biên phòng tuần tra.Những ngày lính ngồi quây quần quanh mâm cơm đầy đủ, ăn khoẻ, ăn ngon, ăn hết khẩu phần, họ lại càng siết chặt hơn tình đồng đội. Nếp sống gọn gàng được rèn luyện hàng ngày của người lính đâu chỉ dày dép chăn màn mà rèn cả trong ăn uống. Khoẻ về thể chất bao nhiêu, lính biên cương tiến lên chính quy hiện đại lại phải dồi dào trí tuệ, cao lớn về tầm tư tưởng bấy nhiêu. Bao giờ cũng vậy lính biên phòng cửa khẩu Cầu Treo xác định muốn bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới điều “cốt tử” lo việc an dân. Anh như bóng mát của cành xanh kơnia toả về hai ngả: ngả ngoại biên toả về Thoong Pẹ – Na Pê, ngả nội biên toả xuống Sơn Kim. Tôi đã được các anh kể nhiều về chuyện giúp bà con người Mông xoá bỏ trồng cây thuốc phiện, chuyện kêu gọi cộng đồng xây dựng trạm xá bản, chuyện đưa đoàn đại biểu dân tộc Mông ra thăm lăng Bác Hồ. Mỗi câu chuyện hiển hiện một nụ cười một trái tim của nhân dân vùng sâu trọn tình thuỷ chung với người lính. Riêng người dân hai xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 nhắc tới bộ đội biên phòng mọi người thường ca ngợi các anh là “phao cứu sinh”.Những năm trước dạy cho nhiều dân bản Tròn thoát mù chữ cũng nhờ tới anh. Vùng sơn cước này đã có năm xảy ra thảm hoạ “lụt rừng” các anh đến tận từng gia đình dìu cả bà già trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Những người lính đội mưa xé gió giữa đêm tối mịt mùng. Chiếc xuồng máy cập đến tận nhiều ngôi nhà lụt đã lên đỉnh mái, vợ chồng con cái đều rét run lẩy bẩy.Chuyển được họ lên nơi an toàn, người lính còn phải lo đủ thứ: gạo của nhà nọ còn trong sập, hươu dê của nhà kia đang nhốt ở chuồng… Dân đói, dân khát bộ đội biên phòng tự cứu dân trước lúc cộng đồng đến cứu. Gạo, mì bộ đội cho làm cụ già ấm bụng, chăn len bộ đội biên phòng tặng em nhỏ ngon giấc nồng. Cơn đại hồng thuỷ đã đi qua gần 8 năm rồi nhưng cụ Tâm ở bản Tròn bây giờ vẫn nhớ như in hôm lũ lụt ngập nhà cũng là hôm cụ bị cảm sốt li bì.Thượng uý Sơn đã yêu cầu người nhà cùng anh đưa cụ tới “khu điều trị dã chiến” để săn sóc. Chính y sĩ Sơn người vừa cầm ống nghe, nghe từng nhịp thở của cụ, anh hướng dẫn cụ Tâm uống từng viên thuốc, động viên cụ ngồi gượng dậy để bón từng thìa cháo tự tay anh nấu cho cụ ăn. Người lính từ nhân dân mà ra, muốn dân quý dân tin các anh không còn đường nào khác là phải gần dân. Thấu hiểu nổi nghèo khổ của dân, đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo thường xuyên duy trì phòng trào đền ơn đáp nghĩa. Từng chương trình hành động cụ thể, hiệu quả cao trở thành mẫu hình đẹp trong quân đội. Những đồng tiền được trích từ tiền lương hàng tháng, những đồng tiền tiết kiệm được từ tăng gia sản xuất, những đồng tiền từ sự ủng hộ của các nhà doanh nghiệp hảo tâm. Nhiều nhỏ góp lại thành to, mỗi công trình hiển hiện một dấn ấn của tình thương cao cả.Từ tình thương đó bộ đội đồn cửa khẩu Cầu Treo đã xây dựng được 14 nhà tình nghĩa tặng cho 14 gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá hơn 400 triệu đồng tại 3 huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang. Riêng xã Sơn Kim, đồn tiếp tục xây dựng thêm 3 nhà tình nghĩa, mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Một cán bộ sĩ quan trong đơn vị bảo tôi: “Anh biết không, hôm bàn giao nhà mới cho cụ Phạm Hiến 90 tuổi ở xã Sơn Thuỷ (Hương Sơn), cụ Hiến cảm động quá cứ ôm lấy bộ đội rồi nước mắt lưng tròng.Cụ bảo tui đã hơn năm mươi năm sống trong cảnh gà trống nuôi con, thằng con trai đi thanh niên xung phong hy sinh tại Đồng Lộc bốn mươi năm sau mới công nhận là liệt sĩ. Đời tui lận đận rứa hôm nay lại có nhà tui không biết gì đội ơn”. Lời người dân mộc mạc chân quê ấy như tình cha nghĩa mẹ nói với con mình và các anh đã thực sự là người con trung hiếu của nhân dân.



Bút ký của Phan Thế Cải

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP