Khám phá

Người dân vuốt ve 2 “ông Ỉn” trước giờ bị “trảm”

Chiều 23/2, công tác đưa lợn nhập tịch ra sân đình chuẩn bị cho lễ hội Chém lợn của người thôn Ném Thượng (TP. Bắc Ninh) đã được thực hiện. Nghi thức truyền thống chém lợn ở sân đình vẫn diễn ra như mọi năm, dù vấp phải nhiều sự phản đối của dư luận.

Sáng 23/2, lễ hội Chém lợn đã được khai mạc với các hoạt động hát quan họ, thi nấu ăn… Khoảng 17h chiều, hai ông Ỉn được rước từ nhà nuôi về đình để mùng 6 Tết nghi thức rước quanh làng, qua nơi tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân sẽ long trọng diễn ra.
Ban Tổ chức lễ hội làng Ném Thượng cho biết, năm nay làng vẫn sẽ diễn ra lễ chém lợn để tế Thành Hoàng làng. Chiều 23/2, hai ông Ỉn được nuôi riêng để làm lễ tế Thánh đã được các chức sắc và người dân trong làng rước vào đình làm lễ Nhập tịch.
Theo kế hoạch và nghi thức truyền thống của người dân nơi đây, đúng 7h sáng 24/2, BTC sẽ làm lễ ra mắt 2 ông Ỉn và tiếp tục rước 2 ông Ỉn này đi quanh làng. Sau đó, sẽ trở về đình làng lúc hơn 11h.
Đúng giờ Ngọ, hai thủ đao sẽ khai đao giữa sân đình và làm cỗ ngọc tế thánh theo nghi thức truyền thống đúng ngày mùng 6 Tết Ất mùi.

Video ghi lại cảnh rước 2 ông Ỉn về làng Ném Thượng trong chiều mùng 5 Tết.

Ông Ỉn được tất cả mọi người trong làng coi như một sự linh thiêng.
Tìm về nguồn gốc lễ hội Chém lợn của làng Ném Thượng, ông Nguyễn Văn Hưng (85 tuổi), một người dân làng Ném Thượng, cho biết đây là lễ hội cổ truyền của làng có lịch sử cách đây 850 năm. Do nhiều biến cố của lịch sử nên lễ hội bị gián đoạn trong khoảng nửa thế kỷ. Đến năm 2000, các cụ cao niên trong làng mới họp và thống nhất phục dựng lễ hội.
Theo kế hoạch ông Ỉn được nằm ở sân đình Ném Thượng để đợi sáng mai (mùng 6 Tết) đi rước và làm lễ.
Lễ hội nhằm tưởng nhớ ông Lý Đoàn Thượng, người có công với làng, được dân làng suy tôn làm Thành Hoàng làng. Lễ chém lợn là tái hiện lại hình ảnh vị tướng Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân.
“Ngoài ý nghĩa tâm linh để tưởng nhớ công lao của ông Lý Đoàn Thượng, lễ hội còn mang ý nghĩa tinh thần, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng, cầu cho cuộc sống ấm no, đủ đầy, hạnh phúc. Đây là lễ hội cổ truyền có truyền thống gần ngàn năm, không làm không được” – ông Hưng nói.
Sau khi nhận được thông tin Tổ chức động vật châu Á đề nghị bỏ lễ hội này, ông Hưng cũng cho biết thêm, dân làng đã họp nhiều lần và thống nhất ý kiến trong toàn dân vẫn tổ chức lễ hội như hàng năm.
Trước việc dư luận cho rằng lễ hội Chém lợn mang tính chất có dã man, ông Nguyễn Tiến Dư (70 tuổi) – Thủ từ đình Ném Thượng lý giải, việc chém lợn không có gì là dã man vì lợn là động vật được nuôi nhiều trong toàn dân để lấy thực phẩm, không phải động vật hoang dã quý hiếm phải bảo tồn. Việc chém lợn không có gì kích động hay gây tâm lý không tốt cho trẻ bởi qua 16 năm tổ chức chưa xảy ra xô xát gì trong lễ hội.
“Đây là việc tâm linh, tưởng nhớ công ơn to lớn của ngài, có thể chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lễ hội nên nhìn vào nghĩ là nó dã man thôi” – ông nói.
Ông Dư cho chia sẻ thêm, lễ hội ở mỗi địa phương có những ý nghĩa khác nhau. Đây là lễ hội truyền thống của người dân đã có từ lâu đời để tỏ lòng biết ơn với người có công với làng, vì vậy hãy để cho người dân tự quyết định. “Các cụ cao niên và dân làng có ý kiến chung: Đây là lễ hội có từ xa xưa. Tất cả không nhất trí thay đổi tên lễ hội mà lấy tên lễ hội từ xưa, không thay đổi được, dân làng vẫn tổ chức để tế Thánh” – ông Dư khẳng định.
Để giảm tính chất tàn bạo trong lễ hội này nhiều người đã nghĩ tới việc thay đổi hình thức chém lợn, nhưng theo ông Dự, Ban tổ chức lễ vẫn thực hiện các nghi lễ rước, tế như phong tục cổ truyền. Nhưng lệ làng phải chém ở sân đình, không thể chém chỗ khác được.
Hơn 16h ngày 23/2, người dân trong làng rộn ràng đi đón ông lợn từ các hộ gia đình được quyền chăm sóc trong năm nay.
Không khí tấp nập trong ngày hội làng.
Nghi thức đón ông Ỉn về đình được làm theo đúng thủ tục của lệ làng.
Ông Ỉn được đưa lên xe trong sự bàn luận độ “đẹp” của người dân trong làng.
Ông Ỉn được đưa về đình làng Ném Thượng.
Những ông Ỉn làm lễ Thành Hoàng Làng này được chọn nuôi từ tháng 8 âm lịch.
Với những gia đình được nuôi ông Ỉn trong năm nay được coi là niềm vinh dự và tự hào.  
Từ người già cho đến trẻ nhỏ đều thích thú ngắm nhìn ông Ỉn khi “ông” nhập tịch đình và mừng tuổi cho ông.
Nhiều người trong làng quan niệm, việc vuốt ve ông Ỉn sẽ mang lại may mắn…

Theo

Thành Nam / Trí Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP