Lộc Hà

Ngư dân bãi ngang Hà Tĩnh 'tố' tàu thuyền giã cào xâm hại

Ngư trường đánh bắt ven bờ của dân bãi ngang ở Hà Tĩnh liên tục bị các tàu thuyền giã cào từ các địa phương khác xâm hại, môi trường bị làm hại, lưới, ngư cụ bị mất, hư hỏng đã làm hàng nghìn ngư dân phẫn uất…

>> Lời kể kinh hoàng của những ngư dân bị bắn trên biển


>> Hà Tĩnh: Bắn nhau kinh hoàng trên biển, nhiều người bị thương


“Công cụ kiếm cơm”, những tấm lưới, những chiếc lồng… trị giá hàng chục triệu đồng mà họ vất vả mới sắm được, liên tục bị mất hoặc hư hỏng, mà nguyên nhân là từ những con tàu giã cào đến từ tỉnh khác. Chỉ sau 1 đêm, nhiều ngư dân bỗng dưng tay trắng.


Ngư dân bản địa uất nghẹn


Chúng tôi tìm về thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc (Thạch Hà, Hà Tĩnh), xóm ngư nổi tiếng ở bãi ngang vì có số lượng ngư dân thiệt hại lớn. Nghe tin có nhà báo về tìm hiểu, hàng chục ngư dân đã tập trung lại để tố những tàu thuyền đến từ Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa liên tục xâm hại ngư trường.


Cầm trên tay đống lưới bị nát bét khi bị tàu giã cào càn quét vào ngày 9/7 mới đây, ngư dân Nguyễn Văn Bản buồn rầu kể, hôm đó nghe dân đi biển báo lưới của ông bị tàu giã cào công suất lớn kéo làm hư hại, ông liền chèo thuyền ra.


Đến nơi, ông đã trèo lên tàu 92278 và tàu 92459 để xin họ nhưng chẳng những không được lại còn bị chửi, đuổi xuống.


“Nay toàn bộ 40 tấm lưới rê mực trị giá cả chục triệu đồng bị mất, tôi chẳng có công cụ để đi biển, đành phải đưa thuyền lên bờ vì không còn tiền để sắm nữa”, ông Bản bức xúc.


Nỗi bức xúc lâu nay ứ nghẹn, nay được dịp giãi bày, những ngư dân thật thà chất phác liên tục tố tàu thuyền mà họ gọi là “tàu dạ” tỉnh khác đến xâm phạm, làm hại họ.


Ngư dân Trần Văn Lành “nổi tiếng” hết thảy trong thôn vì số lượng lưới, ngư cụ bị tàu thuyền giã cào làm hại. Theo tính toán chưa đầy đủ của anh, đầu năm trở lại đây anh đã bị thiệt hại hàng ngàn sải lưới (1 sải = 1,5m), 50 tấm lưới đánh mực nang và 50 lồng nan. Tính sơ sơ anh Lành cũng đã thiệt hại gần 50 triệu đồng.

ngư dân, trên biển, giã cào, mất lưới, ngư cụ, ngư trường, Thạch Lạc, Thạch Hà

Ngư dân thôn Bắc Lạc bức xúc bên đống ngư cụ, lưới bị tàu giã cào làm hư hại. Nhiều ngư dân bị trắng tay chỉ sau một đêm, những tấm lưới hàng chục triệu bị mất.

Nỗi ám ảnh tàu giã cào cao đến nỗi, mặc dù mới sắm được 2 bộ lưới đánh mực nhưng anh chẳng dám đưa ra thả. Vì cứ thả thì chắc rằng sẽ mất hoặc bị kéo rách bươm.


Còn ngư dân Nguyễn Đức Nho, người đã nhiều lần viết đơn cầu cứu các cơ quan chức năng về việc bị mất ngư cụ thì nói rằng, những con tàu giã cào công suất từ 150 đến 300 CV rất ngang ngược, mặc dù đang ở trên vùng ven bờ, cấm tàu lớn và phương thức giã cào.

ngư dân, trên biển, giã cào, mất lưới, ngư cụ, ngư trường, Thạch Lạc, Thạch Hà

Ngư dân tập trung nhà ông Nho phản ánh bức xúc với phóng viên.

“Nhiều lần chúng tôi chạy ra để yêu cầu họ tránh nhưng đều bị chửi và ném đá. Tàu họ to quá chúng tôi chẳng làm được gì. Đành ngậm ngùi đau xót trở về”, anh Nho nói.


Ai bảo vệ?


Những ngư dân thuần túy ở thôn Bắc Lạc đều cho rằng, nhóm người tấn công ngư dân Thanh Hóa vừa rồi đã vi phạm pháp luật. Họ không cổ vũ cho chuyện đó, tuy nhiên nỗi uất nghẹn thì có ở hàng nghìn ngư dân bãi ngang, đã nhiều năm nay. Mặc dù đã nhiều lần viết đơn nhưng tình hình không thay đổi.


“Những cặp tàu giã cào các tỉnh rất lớn. Khi đến vùng ven bờ, những chiếc lưới cào cả trăm mét đó sẽ hốt hết những gì nó quét qua. Không chỉ là hải sản mà cả ngư cụ, lưới lồng của dân bản địa”, anh Lành bức xúc.

ngư dân, trên biển, giã cào, mất lưới, ngư cụ, ngư trường, Thạch Lạc, Thạch Hà

Tàu dạ (giã cào), nỗi ám ảnh của ngư dân đánh bắt ven bờ Hà Tĩnh.

Đại úy Võ Tá Nguyên, Đồn phó Biên phòng Cửa Sót cung cấp thông tin, tình trạng tàu thuyền công suất trên 90 CV (cấm đánh bắt ven bờ) từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi đã xâm phạm ngư trường nhỏ của ngư dân các xã bãi ngang từ lâu.


Không chỉ qua nắm bắt tình hình khi tuần tra, ngay tại Đồn biên phòng cũng đã tiếp nhận hàng chục lá đơn kêu mất ngư cụ, lưới của ngư dân khi bị tàu giã cào xâm hại.


Đại úy Nguyên kể, những chiếc tàu này rất ngang ngược, đặc biệt là các loại tàu trên 300CV đến từ Quảng Ngãi. Có lần lực lượng biên phòng tuần tra, phát hiện tàu tỉnh này đánh bắt trái phép. “Không những họ không chấp hành mà còn quay tàu đòi đâm vào tàu tuần tra của biên phòng rồi bỏ chạy”, ông Nguyên kể.


“Vùng biển bãi ngang ở Hà Tĩnh mùa này rất nhiều các loài hải sản nên tàu thuyền nhiều nơi bất chấp quy định đã dùng phương pháp đánh bắt bị cấm ở vùng ven bờ để vào càn quét. Vừa rồi chúng tôi mới bắt 3 cặp tàu đến từ Nghệ An, đang đánh bắt trái phép”, ông Nguyên cho biết.


Lãnh đạo đồn biên phòng cũng nói thêm, theo con số thống kế chưa đầy đủ, vài năm trở lại đây ngư dân 3 xã Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc đã bị mất, hư hại trên 10.000 mét lưới, trị giá hàng trăm triệu đồng.


Ông Trần Xuân Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, tình trạng trên là có thật. Ngư dân không chỉ bị mất lưới, ngư cụ mà còn nhiều lần bị tấn công gây thương tích trên vùng biển ven bờ.


Mặc dù thế nhưng theo ông Hoàng, để xử lý được tình trạng này là rất khó khăn do phương tiện, lực lượng yếu.


Cùng chung với nỗi niềm của ngư dân bị xâm hại, lãnh đạo các cơ quan chức năng đưa ra nhận định, vụ tấn công bằng súng khiến nhiều ngư dân bị thương vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly khi nỗi uất nghẹn của ngư dân bị xâm hại đã vượt quá giới hạn chịu đựng.


Rồi đây những người gây ra vụ án sẽ chịu tội trước pháp luật, tuy nhiên, để giải quyết được tận gốc vấn đề, cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, để không còn xẩy ra những vụ đáng tiếc, khi những ngư phủ hiền lành bỗng dưng biến thành tội phạm.


Duy Tuấn

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP