Năm 2011, ông được nghỉ hưu theo chế độ, với bản tính là con người của hành động, nên mới rời ghế giám đốc được mấy tháng, ông Phong không chịu ngồi yên. Đêm đọc tài liệu, ngày đi khảo sát thực địa vùng cồn cát ven biển rộng hàng chục hécta bỏ hoang bao đời nay với quyết tâm phải biến hoang hóa thành “vàng” mà lâu nay đã ấp ủ. Và ông quyết định chọn vùng cồn cát lưa thưa những cây phi lao trồng đã lâu mà vẫn còi cọc ở xã Xuân Đan để thực hiện ý tưởng. Ban đầu, nhìn thấy vùng đất này ít ai tin nó sẽ trở thành một vùng nuôi tôm cho thu hoạch hàng chục tỉ đồng mỗi vụ như bây giờ. Được giao khu đất 6ha, ông Phong khoanh vùng, cải tạo để nuôi tôm. Theo ông, vùng đất xấu này ít bị người ta tranh giành, dòm ngó, mà ông đã từng trải và rất sợ người ta lại vu oan, kiện cáo…
Ông Phong giới thiệu hệ thống xử lý nước thải (ảnh phải). |
Những năm ngồi ghế giám đốc Sở Thủy sản Hà Tĩnh, ông Phong không bỏ phí thời gian vừa làm công tác quản lý, chỉ đạo vừa tranh thủ tìm hiểu việc phát triển ngành thủy sản, đặc biệt vùng ven biển, một trong những lợi thế của Hà Tĩnh. Bây giờ, cởi áo “quan” trở về làm dân, ông trực tiếp dành công sức thời gian áp dụng công nghệ cao cho việc nuôi tôm trên cát mà ông đã từng học hỏi. Mới đầu phải lo vốn, chỉ đạo san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống máy móc, đường ống dẫn nước, xây dựng trạm điện, ngăn ao đầm, trải nylon, bạt… Một mình vừa chỉ đạo chung vừa kiêm đủ việc: Ông chủ kiêm kế hoạch, tài vụ, lái xe…
Ông cho biết, riêng hệ thống đường điện cao thế và trạm biến áp 180kVA phục vụ trại đã phải chi 1,2 tỉ đồng; xúc đổ hai núi cát, biến nó thành 10 hồ, cũng mất hơn tỉ đồng. Đầu tư vào 4ha mặt nước, không dưới 2 tỉ đồng. Tổng vốn chi phí đầu tư khoảng 4 tỉ đồng, chủ yếu vay từ bạn bè, ngân hàng. “Vạn sự khởi đầu nan”, năm 2011, hai vụ tôm đầu cho năng suất 10 tấn/ha đã tạo thêm niềm tin trong ông. Qua mấy vụ nuôi tôm trên cát, ông Phong khiêm tốn cho biết, trong tổng số 4ha nuôi tôm của ông cho năng suất bình quân 10 tấn/ha/vụ. Tổng doanh thu 10 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 4 tỉ đồng/vụ tôm.
Trong quá trình cải tạo vùng đất cát hoang, ông Phong đúc kết, việc đầu tư cải tạo cồn cát hoang ở vùng quê nghèo này sẽ giải quyết được 5 trong 1: Khẳng định được mô hình chuyển đổi tư duy làm ăn mới, hiệu quả kinh tế cao; cải tạo vùng đất cát hoang, vùng quê nghèo, tạo thế mạnh của một vùng ven biển; tạo mô hình chăn nuôi khoa học tân tiến từ áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao đến việc xử lý nước thải…; giải quyết được việc làm cho người lao động; và từ nơi đây tạo cho con người có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm ăn với nhau, đặc biệt tiếp xúc với môi trường thiên nhiên trong lành.
Thực tế từ mô hình trại nuôi tôm của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động người địa phương, chưa kể một số lao động làm theo thời vụ. Để cải tạo môi trường vùng cát trắng này, ông đã xây dựng mô hình một khu trang trại xanh, sạch đẹp với những loại cây trồng phù hợp. Hệ thống ao nước thải được xử lý trở thành ao nuôi cá rô phi…
Chuyện nuôi tôm của ông vui và hay vậy, nhưng hôm gặp tôi ở khu trại nuôi tôm, trong ly rượu mời, ông lại say sưa nói về những ý tưởng nghệ thuật mà ông chưa thực hiện được là xây dựng một vườn tượng, vườn hoa trong khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, để biến nơi đây thành một “vườn sinh học nghệ thuật”, một vườn tượng đủ màu sắc, đủ cá tính của những nhân vật trong Truyện Kiều.
Đó là một bến sông Giang Đình có lầu Ngưng Bích, vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi thưởng thức, tổ chức các sinh hoạt văn hóa như lẩy Kiều, hát ca trù, dân ca và một số loại hình nghệ thuật khác. Khu lưu niệm cụ Nguyễn Tiên Điền sau khi tôn tạo còn là nơi nghiên cứu, sinh hoạt của các bộ môn nghệ thuật, nhất là nghiên cứu về “Truyện Kiều”… Rồi cả những điều mà ông còn trăn trở lâu nay về việc bảo tồn, nâng cấp, cải tạo chưa phù hợp tại khu di tích, lưu niệm Nguyễn Công Trứ và cả về bảo tồn, phát triển ca trù ở Nghi Xuân…