Người đương thời

Nghi Xuân: Khoảnh khắc nghệ thuật và tấm lòng thơm thảo

Một thời gian người dân Nghi Xuân, Hà Tĩnh quê tôi gọi Quang Vinh là “ Vinh Cháo”. Đây là cách gọi vui gắn với kế mưu sinh mà một thời anh hành nghề bán cháo nuôi con ở cạnh đường 8B thuộc khối 9 thị trấn Xuân An ngày nay. Quán cháo lòng , cháo gà của vợ chồng anh đắt khách, đang có thương hiệu ăn nên làm ra , nhưng đùng một cái Quang Vinh dẹp quán để hành nghề cho thuê rạp, loa đài, hát xướng  chiếu phim tổ chức đám cưới. Rồi một bước ngoặc xoay vần, hiện nay anh là thành viên của câu lạc bộ ảnh nghệ thuật Hà Tĩnh, một cộng tác viên ảnh của nhiều tờ báo như báo Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, báo Quân đội Nhân dân, báo Công an Nghệ An, báo Pháp Luật, Tạp chí Hồng Lĩnh, Sông Lam…

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Khoảnh khắc tác nghiệp của Quang Vinh

Tuổi thơ không xuôi chèo mát mái, cha hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Vinh mồ côi cha lúc 3 tuổi . Mẹ anh đi bước nữa rồi bị bom Mỹ giết hại. Tuổi thơ của anh gập gềnh chông gai, là con độc nhất nhưng Quang Vinh phải đi chăn trâu cắt cỏ để kiếm tiền nuôi bản thân và trang trải học hành. Anh là con liệt sĩ, bản thân thương binh hạng 3 /4.

Người dân thị trấn Xuân An, Xuân Giang và nhiều bạn bè thân hữu hiểu, trân trọng, quý mến bởi anh là người có niềm đam mê cháy bỏng cho sự nghiệp sáng tác ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Cũng chính vì vậy mà từ một người bưng bê phục vụ khách ăn cháo trong nhiều năm bươn chải, thế rồi Quang Vinh hóa thành “phó nháy” khá thành công. Làm ảnh báo chí đã khó, sáng tác ảnh với mảng nghệ thuật lại càng khó hơn. Đây là kỳ công sáng tạo của những người “ vẽ bằng ánh sáng”. Anh vốn có tính chịu khó, chịu khổ của hơn 10 năm dùng đầu “video màn hình 21 in đi kinh doanh phục vụ bà con các xã Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Cổ Đạm, Cương Giàn và một số xã ở vùng sâu, vùng xa huyện Đức Thọ, Can Lộc. Quang Vinh vừa kinh doanh với giá “ưu đãi” vừa dùng màn ảnh nhỏ chiếu phim đưa văn hóa nghe nhìn về phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa . Lặng lẽ và cần mẫn như một cán bộ văn hóa nằm vùng thực thụ. Sau này chúng tôi có dịp gặp đồng bào vùng kinh tế mới Xuân Lĩnh, thôn Xuân Sơn xã Cổ Đạm, vùng Nam Viên xã Xuân Viên, thôn Bắc Mới xã Cương Gián, …họ ôn lại thời Quang Vinh đi chiếu phim video dể kinh doanh phục vụ làm dân “ no” thêm đời sống văn hóa tinh thần . Chúng tôi mới biết sự đam mê phim ảnh trong con người Quang Vinh vốn có trong trái tim nhiệt huyết của anh.

Trong hơn 16 năm cộng tác với các  báo ,tạp chí từ địa phương đến trung ương  anh đã được đăng nhiều ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật , tên tuổi cũng xuất hiện thường xuyên trên các ấn phẩm. Điều đó thúc đẩy Quang Vinh say mê tích cực hơn, say sưa tâm huyết hơn để sáng tạo các đề tài ảnh nghệ thuật. Đề tài lựa chọn sáng tác và ảnh sản phẩm của lao động nghệ thuật đã không phụ công sức Quang Vinh. Những cuộc triển lãm ảnh của tỉnh, của vùng, của khu vực bắc trung bộ và các cuộc thi ảnh toàn quốc cũng là dịp để anh thử sức. Từ trong những cuộc “so tài” ấy, Quang Vinh đã có những bức ảnh nghệ thuật giàu tính sáng tạo với các đề tài phong phú phản ánh hơi thở cuộc sống. Đó là kết quả lao động nghệ thuật không mệt mỏi của anh. Những bức ảnh của Quang Vinh không chỉ được đông đảo công chúng bạn bè thừa nhận mà còn được ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao bằng chấm điểm và bằng chứng nhận trao giải thưởng : Năm 1996 tác phẩm “ Ngoài đồng” do báo Tiền Phong tổ chức tại Hà Nội được giải khuyến khích. Năm 2004 ảnh “ Vào lò” được chọn treo ở cuộc thi ảnh Quảng Trị. Năm 2006  tác phẩm ảnh “ Đến với công trường” được tuyển chọn triển lãm liên hoan ảnh nghệ thuật 6 tỉnh bắc miền trung tổ chức tại Nghệ An. Tác phẩm “ Tuổi thơ chúng mình” của anh được chọn tại liên hoan ảnh nghệ thuật 6 tỉnh bắc miền trung.  Năm 2007, tác phẩm “ Mưu sinh” được chọn trưng bày tại triển lãm ảnh khu vực miền trung ở Thừa Thiên – Huế. Cũng năm 2007 tác phẩm ảnh “ Hãy cứu lấy loài chim cuốc”  được tuyển trưng bày triển lãm tại Hà Nội do Cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Năm 2008, tác phẩm “ Chăm chỉ” được trưng bày tại triển lãm ảnh liên hoan khu vực bắc miền trung tổ chức tại Quảng Bình và ảnh “Vòng tay đồng đội” vừa được treo ở khu vực miền trung vừa được treo tại thủ đô Hà Nội do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Cũng năm 2008 ảnh “ Trên sông” được Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh và ban tổ chức lễ hội Đồng Lộc chọn làm ánh đấu giá quyên góp xây dựng tượng đài 10 nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc với giá 55 triệu đồng.

Quả là những ngày nắng gió và thời khắc bám chủ đề sáng tác có khi rất khắc nghiệt, nguy hiểm đã cho anh những tác phẩm nghệ thuật đích thực, phong phú về đề tài ,  giàu tính xã hội và chất nhân văn. Theo tiêu chí để kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khá khắt khe, nhất là sau năm 2007 – 2008 song “cánh cửa” để Quang Vinh bước vào Hội đã rộng mở. Hiện nay anh là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Anh đã cống hiến nhiều tác phẩm ảnh từ niềm đam mê nghệ thuật, từ những khoảnh khắc bấm máy ghi khuôn hình chặt chẽ. Chúng tôi càng trân trọng hơn bởi Quang Vinh có tấm lòng thơm thảo và tâm hồn thánh thiện. Là một thương binh hạng 3 /4, không có lương hưu, phụ cấp hàng tháng chưa đầy 1 triệu đồng song Quang Vinh có nhiều nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng làm được. Là một nhân tố tích cực làm từ thiện nhưng rất khiêm tốn không khoe khoang . Tìm hiểu mãi chúng tôi mới biết lòng thơm thảo : Năm 2000 anh gửi tặng Hội Người cao tuổi thị trấn Xuân An 8 triệu đồng, ủng hộ trạm xá Xuân An 3 triệu đồng, hộ trợ trường tiểu học thị trấn Xuân An 3 triệu đồng. Năm 2002, anh giúp đỡ khối 9 thị trấn Xuân An 2 triệu đồng dùng tu sửa hội quán, giúp đỡ 1 triệu đồng cho lớp mẫu giáo khối 11 mua sắm đồ dùng dạy học, tặng câu lạc bộ thơ Đường huyện Nghi Xuân 1 triệu đồng, ủng hộ Hội Khuyến học Nghi Xuân 600.000 đồng, tặng UBND thị trấn Xuân An một tập ảnh tư liệu truyền thống có trị giá 1 triệu đồng…Tính sơ bộ trong thời gian qua tác giả Quang Vinh đã tặng cho các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương khoảng 21 triệu đồng. Ngoài ra một số gia đình chính sách, hộ nghèo có nhu cầu làm ảnh thẻ, ảnh hồ sơ anh làm giúp không lấy đồng nào. Chụp được tấm ảnh đẹp, anh phóng to và tặng bạn bè.

Năm nay, Quang Vinh đã ngoài lục tuần. Anh thường tâm sự: “ Tuổi trâu khó nhọc”. Song Quang Vinh đã khá thành đạt và gặt hái được nhiều thành công trên những “luống cày của cánh đồng sáng tạo nghệ thuật”. Công chúng yêu cái đẹp mong anh sẽ tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm mới cho “làng ảnh” nghệ thuật tỉnh nhà và đất nước Việt Nam ./.

Thy Ngọc – Viết Tường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP