Hành trình tìm kiếm ánh sáng
Khuôn mặt em Vũ Văn Tùng (6 tuổi, ngụ khối 2, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) biến dạng bởi đôi mắt không mí, trắng bệch, khô khốc. Em ngồi ngay bàn đầu tiên trong lớp học, dù không nhìn thấy ánh sáng nhưng vẫn cố gắng tập trung để lắng nghe những gì cô giáo giảng. Thỉnh thoảng, em lại cúi sát mặt xuống quyển vở, nắn nót viết từng chữ thật đẹp.
Tùng bị khuyết mí mắt từ khi mới lọt lòng - Ảnh: Mai Mai |
Chị Hồ Thị Diện (39 tuổi, mẹ em Tùng) chia sẻ, Tùng là con út trong gia đình có 4 chị em. Trong thời gian mang thai, chị vẫn khám đều đặn theo định kỳ và an tâm khi bác sĩ kết luận thai nhi phát triển bình thường.
“Ngày con chào đời, chưa kịp vui mừng thì tôi đã sốc nặng khi nhìn thấy đôi mắt toét của con trai. Cả hai mắt con đều không có mí, không thể nhắm lại, cứ mở trừng trừng, lúc đỏ hoe, lúc lại đục ngầu, khô khốc. Vì đau nhức nên con khóc suốt ngày đêm. Sinh được 3 ngày, con được chuyển ra bệnh viện Hà Nội. Bác sĩ chẩn đoán đôi mắt con bị 'khuyết mi trên bẩm sinh'. 18 ngày tuổi, con đã phải trải qua ca phẫu thuật đau đớn”, chị Diện chua xót.
Đến nay, trải qua 7 ca phẫu thuật lớn nhỏ, đôi mắt của Tùng đã bớt đau nhức, mắt phải đã có thể nhắm mở. Dù vậy nhưng thị lực của em rất kém, chỉ nhìn thấy 2% ánh sáng.
Dù đôi mắt bị khiếm khuyết nhưng Tùng là một đứa trẻ rất thông minh. 6 tuổi, em đã thuộc hết mặt chữ cái, hiểu và đánh vần, ghép chữ rất nhanh nhạy. Ngoài ra, em còn học thuộc bảng cửu chương, viết chữ rất nắn nót, cẩn thận. Hiện Tùng đang theo học lớp 1B, trường tiểu học Quỳnh Xuân B.
Dù đôi mắt chỉ nhìn thấy 2% ánh sáng nhưng em Tùng rất thông minh và rất ham học - Ảnh: Mai Mai |
“Dù không nhìn thấy nhưng con vẫn tiếp thu được khi nghe cô giáo giảng. Sách vở tôi phải mang đi photo để chữ to gấp đôi phông chữ bình thường thì con mới nhìn thấy và đọc được. Con viết tương đối đẹp, đánh vần nhanh. Tôi rất vui vì con khuyết tật nhưng rất thông minh”, anh Vũ Văn Huyên (43 tuổi, bố của em Tùng) chia sẻ.
Khát vọng đến trường
Từ ngày sinh con bệnh tật, cuộc sống gia đình chị Diện lâm vào cảnh khó khăn. Để có tiền hàng trăm triệu đồng chi phí chữa trị cho con, họ phải vay mượn khắp nơi mới có được.
Chị Diện đau đớn nhắc đến số phận bất hạnh của con trai - Ảnh: Mai Mai |
Kinh tế gia đình phụ thuộc vào hai sào ruộng. Dù mắc bệnh đau khớp nặng nhưng anh Huyên vẫn gắng ngượng đi làm phụ hồ trong các công trình xây dựng gần nhà để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Hai năm trở lại đây, bệnh trở nặng, anh chỉ biết quanh quẩn quanh nhà làm việc vặt phụ giúp vợ con.
Gia đình chị Diện thuộc hộ khó khăn ở địa phương - Ảnh: Mai Mai |
“Vợ chồng tôi lam lũ tối ngày để trang trải cuộc sống, trả dần khoản nợ 300 triệu đồng đã vay mượn trước đó để chữa trị cho con nên không có thời gian phụ đạo cho con học bài. Cũng may là con thông minh và rất ham học, nói và hát suốt ngày nên an ủi phần nào. Giờ tôi chỉ hi vọng con có thêm cơ hội phẫu thuật đôi mắt để đời con bớt bất hạnh hơn mà khó quá”, chị Diện thở dài.
Tùng ước có đôi mắt sáng để không bị thất học giữa chừng - Ảnh: Mai Mai |
Hành trình tìm kiếm ánh sáng cho con còn rất dài nhưng vợ chồng chị Diện không biết bấu víu vào đâu để vay mượn tiền bạc. Mỗi lần nhìn con mò mẫm trong bóng tối, thấy con giật mình khi va vào một vật gì đó, trái tim người mẹ như thắt lại.
“Cháu muốn chữa khỏi mắt để được nhìn thấy ánh sáng như các bạn, để được đi học. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này làm thầy giáo”, Tùng ao ước.
Tác giả: Mai Mai
Nguồn tin: phunusuckhoe.vn