Người đương thời

Nghệ sĩ Quang Hưng: Giọng ca neo đậu hồn người

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa tại làng biển Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), được thấm đẫm các làn điệu dân ca ngọt ngào từ tấm bé qua giọng à ơi của bà, của bố mẹ, Quang Hưng sớm có ước mơ ca hát…

Học xong phổ thông, Hưng chỉ có một khát khao được trở thành ca sỹ. Ước mơ ấy thôi thúc anh dự thi vào khoa Thanh nhạc Trường Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ – Tĩnh. Anh nhớ lại: “Trên 600 thí sinh tham dự, trường chỉ chọn được 6 người vào lớp dân ca, sau đó tuyển thêm đợt hai để đủ 12 học viên xếp vào một lớp. Hưng là thí sinh có điểm cao thứ hai trong số 12 thí sinh xuất sắc lúc bấy giờ”…

Ra trường, là một trong 3 sinh viên nổi trội của khóa học, Quang Hưng được điều về Đoàn Dân ca Nghệ – Tĩnh. Năm 1991, tái lập tỉnh, Quang Hưng được trở về Hà Tĩnh.

Nghệ sĩ Quang Hưng: Giọng ca neo đậu hồn người

Đoàn mới, diễn viên thiếu, anh phải đóng nhiều vai qua mỗi lần lưu diễn trong sự khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất cùng phương tiện biểu diễn. Những tháng ngày vất vả ấy, Quang Hưng cùng với anh chị em diễn viên đã mang lời ca, tiếng hát phục vụ khắp mọi vùng miền của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Với chất giọng nam cao nhẹ nhàng, mềm mại, hát như tâm sự, giãi bày, thổ lộ…, Quang Hưng thể hiện rất thành công các sáng tác mang âm hưởng dân ca trữ tình. Trong đó, có thể kể đến những tình khúc được nhiều người mến mộ như: “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của Nguyễn Văn Tý; “Biển chiều Đèo Ngang” của Quốc Nam – Khánh Cẩm; “Nhớ về Hà Tĩnh’ của Hồ Hữu Thới…

Anh nghiên cứu, nắm bắt cái “thần” của các làn điệu dân ca Nghệ – Tĩnh, đồng thời thử nghiệm trên giọng hát bằng kỹ năng thanh nhạc hiện đại. Sự say mê nghề nghiệp cộng với đức tính cần cù, khiêm tốn học hỏi đã đưa anh đạt đến kỹ năng thuần thục và phong cách biểu diễn có sức lôi cuốn khán, thính giả. Với chất giọng dân ca trữ tình, đằm thắm, đồng thời có năng khiếu hài kịch cộng thêm ý chí tự học, tự rèn, Quang Hưng luôn chinh phục được khán giả trên các nhà hát lớn của đất nước cũng như những lần lưu diễn tại vùng sâu, vùng xa và ở nước ngoài.

Năm 1995, lần đầu tiên tham gia hội diễn toàn quốc, Quang Hưng đoạt huy chương đồng với vai Dục Đức trong vở “Người trong kỳ vọng”. Cũng năm ấy, anh đoạt tiếp huy chương vàng chương trình ca – múa – nhạc toàn quốc tổ chức tại TP Hải Phòng với vai Dũng, lái xe ở chiến trường Đồng Lộc.

Năm 1997, tại “Liên hoan dân ca toàn quốc”, anh đứng vai Tú Thành trong vở “Hoa khôi dạy chồng”, tiết mục được đánh giá rất cao và được phát trên chương trình sân khấu dân ca Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giọng ca neo đậu hồn người
Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh tại Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung năm 2013. Ảnh: Phong Linh

Năm 1999, huy chương vàng vai Tướng công Nguyễn Công Trứ trong tiết mục “Người hát dặm ca trù” – hội diễn ca – múa – nhạc toàn quốc tổ chức tại Nhà hát lớn Thủ đô Hà Nội…

Đặc biệt, những lần lưu diễn tại Vương quốc Thái Lan hay đất nước hoa Chăm-pa, đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là bà con Việt kiều thật sự xúc động trước những lời tỏ tình qua những làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà với hai thứ tiếng do anh thể hiện. Sau những lần biểu diễn, nhiều Việt kiều đã bật khóc, lưu luyến hướng về quê hương, đất nước với những nỗi niềm trìu mến, thiết tha, xao xuyến và nặng lòng với Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Hiện tại, với vai trò là người quản lý của Đội diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Quang Hưng vẫn say mê luyện tập mỗi lần chuẩn bị chương trình mới. Cùng với các nghệ sỹ giàu kinh nghiệm, anh thường xuyên suy nghĩ, sáng tạo, tìm ra những tình huống mới nhằm bồi dưỡng, nâng đỡ đội ngũ diễn viên trẻ hôm nay, giúp họ tiếp nối các thế hệ đi trước, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của quê hương và dân tộc, nhất là những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh tồn tại bao đời nay. Hiện tại, UNESCO đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục để đưa vào danh sách công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Điều ấy lại càng làm cho anh đam mê hơn với nghề mà mình đã chọn.

Sinh năm con gà (1969), năm nay, Quang Hưng bước vào tuổi 45. Ở độ tuổi “nhi bất hoặc”, Quang Hưng có một mái ấm gia đình rất hạnh phúc: người vợ hiền (từng là nghệ sỹ đàn thập lục của đoàn, nay công tác tại Văn phòng Sở Văn hóa) cùng hai người con chăm ngoan. Cô con gái đầu vẫn theo nghiệp bố mẹ, đang học Đại học Văn hóa Hà Nội. Dẫu cuộc sống còn đạm bạc, nhưng những lời ca, tiếng hát, điệu nhạc vẫn được cất lên trong mái nhà xinh xắn của gia đình anh tại phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh).

Hơn 20 năm trong nghề, những dấu ấn nghệ thuật của nghệ sĩ Quang Hưng vẫn neo đậu trong ký ức công chúng yêu âm nhạc. Đó là phần thưởng quý giá nhất đối với cuộc đời nghệ sĩ của anh.

Vũ Linh / Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP