Trong nước

Nghệ An: Hàng loạt đơn vị “quên” phục hồi môi trường sau khai khoáng

Dù đã hết hạn khai thác cũng như dừng hoạt động từ nhiều năm nay, thế nhưng, hàng loạt mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa được các chủ đầu tư tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Tình trạng trên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phụ hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều “bặt vô âm tín”, không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhất là những mỏ hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất, đá, quặng sắt và quặng thiếc.

Mỏ đất Rú Rím, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc của DNTN Xuân Trường hết hạn đã lâu nhưng không cải tạo, phục hồi môi trường

Ở xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) từng có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng sắt gồm Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung; Công ty CP Lâm Lệ Phong; Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn 171 và Công ty TNHH Ngọc Sáng. Hiện tại, cả 4 doanh nghiệp này, giấy phép đều đã hết hạn và ngừng hoạt động từ năm 2014 – 2016. Vậy nhưng họ không thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Những “bãi chiến trường” mà họ để lại đang gây ra những hệ lụy cho người dân nơi đây.

Trong đó, “tai tiếng” nhất phải kể đến là khu mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng. Việc dừng hoạt động nhưng không có động thái thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường khiến cho khu mỏ này trở thành một công trường hoang tàn, để lại những hầm hố sâu hoắm, những bãi bùn thải đặc quánh, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, từ tháng 9/2016 trở lại đây, rất nhiều người dân tại địa phương và một số xã như Quang Phong, Cắm Muộn đã tập trung vào khai thác, tận thu quặng thiếc trái phép khiến cho tình hình an ninh trật tự địa phương bị xáo trộn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại sông Quang.

Mỏ quặng sắt của Công ty CP XNK Thiện Tài tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn cũng đang nham nhở

Cách trụ sở UBND xã Tri Lễ không xa là khu vực sàng tuyển quặng sắt của Công ty TNHH xay lắp tổng hợp miền Trung. Tại xưởng tuyển này, máy móc để ngổn ngang, do để lâu ngày nên đã bị hoen rỉ, cỏ cây mọc um tùm. Nhiều đống đất đá được đổ ngổn ngang khắp nơi.

Hiện nay, sau khi các doanh nghiệp khai thác quạng sắt trên địa bàn xã Tri Lễ “ra đi không lời từ biệt” thì các khu mỏ trên những sườn núi trở nên nham nhở. Những hầm hố sâu hoắn, những đùn đất cao chót vót hiển hiện rõ rệt. Chỉ cần đứng trên QL16 quan sát cũng thấy rõ mồn một những “đại công trường” bỏ hoang, vắng lạnh.


Khu tuyển quặng sắt của một mỏ tị xã Tri lê, huyện Quế Phong

Anh Vi Văn Nam, ở bản Na Lịt, xã Tri Lễ, cho biết: “Các doanh nghiệp bỏ đi lâu rồi, họ khai thác, đào bới cho nham nhở cả mấy quả núi xong họ để đó. Những hầm hố sâu hoắm để lại hiện trường, những đùn đất cao như núi cứ trời mưa lũ là tuồn xuống phía dưới, ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như môi trường nơi đây”.

Tại huyện Diễn Châu, thời điểm này huyện có 8 mỏ khoáng sản nhưng có 6 mỏ đã hết phép hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi khai thác xong chưa hoàn thổ mặt bằng. Trọng điểm nhất là các mỏ đất của xã Diễn Đoài. Được biết, địa bàn xã này có 6 mỏ đất nhưng có 5 mỏ đã hết hạn nhưng vẫn không hoàn thổ. Sau khi hết phép khai thác từ năm 2015, Công ty khoáng sản Việt Nam không hoàn thổ, để lại mỏ đất thuộc khu vực Hòn Nhạn, xã Diễn Đoài nham nhở với những hố sâu rất nguy hiểm cho người và gia súc của người dân đi lại quanh khu vực nói trên.


Hầm hố nham nhở tại mỏ Công ty TNHH Ngọc Sáng tại xã Tri Lễ

Một đơn vị khác là Công ty CP Long Tuấn Anh được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác mỏ đất tại quyết định số 1163/QĐ-UBND.TN ngày 07/4/2009 với thời hạn 05 năm, diện tích là 2,18ha, tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Đến ngày 07/4/2014, mỏ đất này hết phép khai thác nhưng cho đến nay đã 03 năm trôi qua, hiện trường khai thác đất để lại là những hầm hố sâu hoắm, những vỉa đất nhô cao sẵn sàng đổ sập xuống phía dưới bất cứ lúc nào tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Tại núi Rú Rím, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc có mỏ đất Rú Rím, đây là mỏ được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường (trụ sở số 16, đường Xuân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) tại Quyết định số 3554/QĐ-UBND-TN ngày 11/8/2010, với diện tích là 9,9 héc ta, thời hạn cấp phép là 03 năm, tức là đến ngày 11/8/2013 mỏ này cũng hết phép. Tuy nhiên, sau khi khai thác nham nhở, trọc lóc cả ngọn núi đồ sộ này thì Doanh nghiệp Xuân Trường lại không tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn và trồng cây xanh. Hơn nữa, do sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc cũng như sự tắc trách của chủ mỏ nên một số đối tượng đã tiếp tục dùng máy múc để tiến hành khai thác trái phép tại khu mỏ nói trên khiến cho người dân nơi đây vô cùng bức xúc.


Máy móc tại xưởng tuyển quặng sắt Công ty TNHH Ngọc Sáng hoen rỉ, vắng lặng

Công ty CP XNK Khoáng sản Lạng Sơn (Chi nhánh Nghệ An) được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác quặng thiếc tại Thung Phá Phầng (xã Châu Hồng) tại quyết định số 4762/QĐ-UBND-TN ngày 28/10/2008, diện tích là 42,92ha; thời hạn cấp phép là 5 năm, tức là đến tháng 10/2013 đơn vị này hết phép khai thác. Dù hết phép khai thác đã nhiều năm nay nhưng đơn vị này cũng chưa tiến hành công tác cải tạo phục hồi môi trường. Vừa qua, đơn vị này xin cấp giấy phép khai thác mới tại vị trí nói trên nhưng không được các cơ quan chức năng chấp thuận với lý do “chưa tiến hành công tác cải tạo, phụ hồi môi trường”.

Ngoài những đươn vị trên, hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc…dù hết giấy phép khai thác đã nhiều năm nhưng hầu như chủ đầu tư không hề có động thái tiến hành nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Dường như các cơ quan chức năng từ xã, huyện đến tỉnh đều “bất lực” trong việc đôn đốc các doanh nghiệp này thực hiện nghĩ vụ theo quy định của pháp luật.


Máy móc tại xưởng tuyển quặng sắt Công ty TNHH Ngọc Sáng hoen rỉ, vắng lặng

Mới đấy nhất, chiều ngày 21/3/2017, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tại huyện Quế Phong, ông Lữ Đình Thi – Bí thư Huyện ủy Quế Phong đã đề cập đến vấn đề cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện vùng cao này. Theo đó, ông Thi cho biết, trên địa bàn huyện Quế Phong có 5 mỏ của 4 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Tri Lễ song vẫn chưa hoàn thổ theo quy trình đóng cửa mỏ. Vấn đề này để lại hậu quả rất nguy hiểm khi các mỏ nằm ở trên núi cao, trở thành các “túi nước” đe dọa đến sự an toàn của nhân dân, đặc biệt là khi mùa mưa bão sắp đến gần.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, tỉnh đã giao Sở TN&MT chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện hoàn thổ với hơn 140 mỏ trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mỏ ở Quế Phong. Tuy nhiên, đến nay các mỏ ở Quế Phong vẫn chưa được hoàn thổ mặc dù huyện đã có đề nghị với Sở TN&MT Nghệ An cách đây 3 tháng. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng giao Văn phòng Tỉnh ủy đưa vào thông báo kết luận cuộc làm việc và gửi Sở TN&MT Nghệ An từ nay đến tháng 6/2017, các mỏ phải hoàn thổ, đóng cửa theo đúng quy trình.


Mỏ đất khe Giang, xã Diễn An, huyện Diễn Châu cũng của DNTN Xuân Trường trong tình trạng tương tự

Để hạn chế và khắc phục các tác động của ngành khai thác khoáng sản lên môi trường, các khu vực sau khi khai thác xong phải được hoàn thổ phục hồi môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế ở địa bàn tỉnh Nghệ An vấn đề này đang bị các đơn vị khai thác lẫn cơ quan chức năng xem nhẹ.

Mong rằng, trong thời gian sớm nhất, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sẽ sớm triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại bấy lâu nay, tránh bức xúc trong dư luận, trả lại môi trường trong lành tại các khu mỏ.

Khoản 1, Điều 2, Quyết định 18/2013/QĐ-TTg, ngày 29/3/2013 về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,…) tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người”.

Tác giả: Phạm Tuân

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP