Lộc Hà

Ngạt ngào hương tết An Sơn – Lộc Hà

Làng An Sơn nay thuộc xóm 1, Báo Ân, Thạch Mỹ, Lộc Hà, Hà Tĩnh là một trong ba làng nghề truyền thống của huyện Lộc Hà – một huyện thành lập cách đây không lâu của tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ mới đến cổng làng, anh bạn dẫn đường đã hỏi tôi : “ Ngửi thấy thơm chưa em? đến làng rồi tề” như trút hết mọi suy nghĩ mông lung thay vào đó là cảm giác thư thái bởi… “mùi” tết đã quyện vào gió phảng phất tự bao giờ…

Xứ sở trầm hương


Người dân ở đây kể lại, từ khi sinh ra rồi lớn lên mùi hương, bột hương, sắc hương cứ xoắn xuýt, quắn quýt lấy họ nên cũng không biết bắt đầu từ khi nào, làm hương là cái nghiệp muôn đời của người dân nơi đây. Đi dọc con đường chính dẫn vào làng, hai bên là những chùm hoa, bó hoa… hương hoặc đỏ nhạt hoặc vàng ươm – màu vàng thường thấy trên áo Phật. Trong tiết trời quạnh quẽ, lảng bảng một màu khói bạc thì những bó hoa ấy tô điểm thêm, làm rực rỡ thêm cả một góc trời.Làng hương An Sơn có hơn 90 % số hộ sản xuất hương thành phẩm, cứ đi 4 nhà thì có 3 nhà làm hương. Mùa cận tết là thời điểm để nghề hương vào vụ, tuy nhiên đây không phải là vụ sản xuất mà là vụ thu hoạch, từng đoàn xe nối tiếp đoàn xe để chở hương đi phục vụ tết cho bà con trong và ngoài tỉnh thậm chí còn ra nước bạn Lào, mùa này được bà con chờ đón sau một năm ròng làm việc cật lực để rồi phải thốt lên rằng: “ mùa ni mới thực sự là mùa tết của dân làng tui”


Nghề hương là nghề của lòng người


Nhắc đến hương, người ta nghĩ ngay đến không khí trang nghiêm trong một không gian ma mị nhưng đầy lòng thành kính. Sản xuất hương cũng vậy, không thể hời hợt,qua loa mà mỗi cây hương, nén hương phải được người thợ thủ công chăm chút như “báu vật của đời”. Để có được những búp hương mang mùi thơm đặc biệt, những người làm hương phải cẩn trọng và cầu kỳ trong từng công đoạn, từ việc chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương, nhúng hương, phơi hương đến công đoạn gói thành búp hương để cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Được sự giới thiệu của bà con, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất hương lớn nhất nhì làng của bác Trần Nhân Quỳnh ( 50 tuổi) , tiếp chúng tôi trong những ngày cao điểm của mùa nhưng bác vẫn chân tình chia sẻ : “ Bác làm nghề đã hơn 30 năm rồi, nay đã có làm bằng máy nên đỡ vất vả hơn hồi trước nhiều lắm”. Trước sự năn nỉ đến tội nghiệp của tôi và sự nhiệt tình của bác, lần đầu tiên tôi được “ mục sở thị” quy trình làm hương thủ công .

Ngạt ngào hương tết An Sơn

Nhịp nhàng việc tẩm bột hương


Thứ bột màu vàng đậm hơn màu mỡ gà một tí chính là bột từ rễ cây hương bài, trước đây làm với số lượng ít nên dân làng tự đi kiếm trên núi về rửa sạch, phơi khô, rồi nghiền nát thành bột mịn để trộn làm bột hương nhưng hiện nay số lượng sản xuất nhiều hơn nên phải nhập bột hương từ nơi khác về với giá 70.000 đ/ 1kg. Ngoài rễ cây hương bài, nguyên liệu làm hương còn có các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ làm bí quyết riêng. Điều đặc biệt là bã mía phải do người ăn nhả ra chứ không lấy từ các máy ép vì nó sẽ không còn mùi thơm. Sau khi các nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, bác Quỳnh bắt đầu trình diễn môn nghệ thuật mà bác đã thực hiện hơn ba chục năm nay, đầu tiên là trộn bột hương với ít keo nhúng ( làm từ cây keo) để bột dính vào chân hương, chấp chấp liên lục cho đến khi 2/ 3 chân hương được dính bột. Sau khi đã dính bột hương cho tiếp bột các loại thảo quả, bã mía, thảo mộc…vào để tẩm hương, sau mỗi lần tẩm bột thơm là mỗi lần nhúng cả cây hương vào chậu nước lạnh để làm cho các loại bột dính chặt vào chân hương .

Ngạt ngào hương tết An Sơn

Bác Quỳnh với thao tác phơi hương


Công đoạn để cho ra một cây hương cơ bản đã xong, bác Quỳnh nói : “ Ri là xong rồi đây, chỉ cần phơi nữa là hoàn thiện. Mùa nắng như hồi tháng 5 chỉ cần một nắng là đủ, mùa ni phải ba bốn ngày thì hương mới thơm được”. Thích nhất trong cả quy trình làm hương có lẽ là việc phơi thành từng bó, các động tác thuần thục, nhịp nhàng, dứt khoát, từ khoảng 100 cây hương, chỉ cần một động tác mà bác xòe ra được bông hoa hương rất dễ thương để đón nắng. Tò mò và nhìn qua cũng thấy đơn giản, tôi xin phép được phơi thử, kết quả là hoa hương chẳng thấy đâu mà lại mất công đi gom hương vì bay tung tóe.


Niềm vui vì nghề truyền thống ngày một phát triển


Nếu những nghề truyền thống như làm muối ở Hộ Độ, làm chổi ở Hàn Mỹ…bị mai một vì không đứng vững trên thị trường trong thời hiện đại thì nghề làm hương ở An Sơn lại đứng vững vàng và có phần hiên ngang, vượt ra khỏi lũy tre làng để đưa mùi hương đi khắp nơi, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Có nhiều gia đình làm giàu nhờ nghề cổ truyền như gia đình bác Lê Thị Lý, bác Trần Nhân Quỳnh ( với thương hiệu hương Như Quỳnh khá nổi tiếng), trừ chi phí nguyên, vật liệu và tiền nhân công, hai gia đình này thu nhập trên 200 triệu/ năm. Đồng thời, nghề còn giải quyết được công ăn việc làm cho người dân trong và ngoài làng, cơ sở sản xuất của hai gia đình trên giải quyết cho hơn 30- 40 lao động trong mùa cao điểm. Chị Yến( 30 tuổi) vui vẻ tâm sự : “Vào dịp hè, làm liên tục để tranh thủ nắng phơi nên một ngày làm được 15 bó chân hương, mỗi bó 15 nghìn, cuối tháng được hơn 6 triệu, đỡ hơn trồng lúa, trông khoai nhiều em ạ”


Thiết nghĩ, làng nghề vừa níu giữ những giá trị văn hóa của vùng đất,vừa giúp cho người dân sống được trong thời buổi kinh tế khó khăn nếu chính quyền và các cấp ngành liên quan quan tâm hơn nữa thì “hương” của làng sẽ không ngừng lan tỏa và vươn xa.


Lê Thành Chung (SVTT)

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP