Tin Liên Quan

Ngân sách nào kham nổi? Một thực trạng đau xót

NNVN vừa có loạt bài "Ngân sách nào kham nổi?", trong đó có một số bài viết phản ánh thực trạng cán bộ cơ sở ở Hà Tĩnh, được dư luận địa phương đồng tình cao. PV NNVN tại Hà Tĩnh đã tranh thủ ghi lại nhiều ý kiến tâm huyết.

Ông Đào Nghĩa Nhuận – nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, nói: Trong mấy ngày qua, sáng nào tôi cũng dậy thật sớm để được đọc bài tiếp theo của loạt bài “Ngân sách nào kham nổi?”. Trước hết, tôi rất khâm phục nhóm PV đã thực hiện loạt bài công phu này. Rất lâu rồi tôi mới thấy một loạt bài viết có chiều sâu của vấn đề và tính thực tiễn trong xã hội hiện nay. “Một thực trạng đau xót, bốn hộ dân nuôi một cán bộ, một xã có một trung đoàn cán bộ. Đau xót quá!”, ông Nhuận buồn bã. “Đọc báo tôi cảm thấy rợn người, nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ nảy sinh một thế hệ “cường hào mới”. Liệu Trung ương có biết, tỉnh có biết? Đây đúng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội”.




Ông Nguyễn Ngọc Tương, cũng là nguyên GĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thì nói: Đọc báo NNVN tôi không tin nổi, tại sao một xã lại có đến 500 cán bộ. Những cán bộ đó sinh ra để làm gì ở một chính quyền cấp xã. Quá lãng phí, lấy ngân sách nào kham nổi đây. Có lẽ, họ sinh ra để vét cạn túi của người nông dân chân lấm tay bùn. Hiện trên đầu người dân phải gồng mình gánh chịu bao nhiêu khoản thu của chính quyền. Thực trạng tại một số xã trong loạt bài, trong đó có 3 xã ở Hà Tĩnh mà báo nêu chỉ mới là phần nổi. Nếu đi sâu vào sẽ có nhiều xã còn kinh khủng hơn nữa.


Ông Trần Tú Anh – Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, nơi PV NNVN có bài phản ánh về cán bộ đông như châu chấu tại xã Thạch Kim: “Đó là con em, họ hàng, làng xóm của những cán bộ xã đương nhiệm kéo vào. Ngân sách dựa vào việc bán đất để nuôi lớp cán bộ này. Thực tế hiện nay, quỹ đất của xã Thạch Kim không còn, trong lúc đó nợ đọng của những năm trước đang ngày một chồng chất”.


Từ trước tới nay, lãnh đạo xã thường báo cáo thành tích nổi bật của mình mà không hề nhắc tới việc này. Sau khi báo NNVN phản ánh và qua tìm hiểu tôi vỡ lẽ ra nhiều vấn đề nổi cộm tại cấp xã và còn phức tạp hơn báo nêu. Hiện nay, nguồn cán bộ xã đương nhiệm chủ yếu được đào tạo không bài bản. Vì thế sau khi không trúng tuyển đại học, cao đẳng, nhiều con em lãnh đạo trở thành cán bộ nguồn của xã. Cũng theo ông Trần Tú Anh, nếu nói cho nghiêm túc thì mỗi xã chỉ cần khoảng 20 cán bộ được đào tạo sẽ đảm nhiệm hết công việc. Sắp tới, lãnh đạo huyện Lộc Hà sẽ tổ chức đợt ra soát lại công tác cán bộ từ cấp huyện đến tận thôn. Nhằm sàng lọc kỹ càng để chọn ra những cán bộ có năng lực thực sự chứ không để tình trạng loạn cán bộ xã như hiện nay. Việc này cần phải có sự đồng thuận và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh để giải quyết triệt để tình trạng này.

Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP