Hà Tĩnh ngày nay

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn Hà Tĩnh

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh, sự nổ lực quyết tâm của các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã nên tình hình tội phạm trên địa bàn Hà Tĩnh nhìn chung đã được kiềm chế, một số loại tội phạm đã được làm giảm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số loại tội phạm có diễn biến phức tạp. Trong đó, tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn, tính chất đa dạng, phức tạp gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, khám phá của lực lượng Công an, nhất là các vụ án nhỏ lẻ. Theo thống kê, từ năm 2010 đến cuối tháng 6 năm 2013, số vụ trộm cắp tài xảy ra trên địa bàn tỉnh là 1.322 vụ, trên tổng 2.121 vụ phạm pháp hình sự (chiếm tỷ lệ 62%); trong đó, số vụ án điều tra làm rõ chủ yếu là những vụ án, chuyên án lớn.


Có thể thấy nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng loại tội phạm này là hết sức đa dạng. Trong đó, một số nguyên nhân chủ yếu như: Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tài sản, tiện nghi sinh hoạt trong nhà càng nhiều, có giá trị cao; kèm theo sự lơ là, mất cảnh giác trong việc tự bảo vệ tài sản của người dân, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp; nhất là tại các vùng nông thôn, ý thức của người dân trong bảo vệ tài sản thường chưa cao, hay chủ quan nên tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho bọn tội phạm hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, phát triển; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang gia tăng; tồn tại một bộ phận người lười lao động, có thói quen hưởng thụ, thích ăn chơi, đua đòi, nghiện ngập các tệ nạn đã dẫn đến hành vi phạm tội.


Về đối tượng phạm tội loại này thường là nam giới, ở độ tuổi thanh niên, có trình độ văn hóa thấp, đa số không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định; nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự. Bên cạnh đó, hiện nay, đã xuất hiện một bộ phận ở lứa tuổi học sinh cũng có hành vi trộm cắp.


Điển hình, ngày 08/12/2012, Công an huyện Can Lộc đã điều tra, khám phá nhóm đối tượng có hành vi cắt trộm dây cáp viễn thông, xảy ra trên địa bàn xã Tùng Lộc, Can Lộc trong thời gian dài. Bắt giữ 11 đối tượng gồm: Hà Huy Huỳnh (SN 1997); Hà Huy Nam (SN 1998); Đặng Văn Sỹ (SN 1996); Đặng Văn Sơn (SN 1998); Đặng Văn Tri (SN 1988); Đặng Quang Đạt (SN 1988); Đặng Duy Khánh ( SN 1997); Hà Huy Quang (SN 1997); Hà Huy Ánh (SN 1997), Đặng Văn Dần (SN 1998) đều trú tại xã Tùng Lộc và Lê Đình Sơn (SN 1988) trú ở xã Phúc Lộc (Can Lộc). Tại cơ quan điều tra, các đối tượng trên đã khai nhận từ tháng 8 đến đầu tháng 12/2012, bọn chúng đã thực hiện 14 vụ trộm, cắt khoảng gần 2000m dây cáp viễn thông đem đi bán để lấy tiền tiêu xài.

Các đối tượng và tang vật trong vụ án trộm dây cáp viễn thông ở xã Tùng Lộc, Can Lộc do Công an huyện Can Lộc bắt giữ.



Thủ đoạn mà bọn tội phạm thường sử dụng là: Chúng thường nghiên cứu, tìm hiểu kỹ địa bàn, quy luật sinh hoạt của người bị hại rồi tìm sơ hở, chọn thời điểm phù hợp để gây án; sử dụng chìa khóa vạn năng, kìm công lực, tua vít… để mở, phá khóa; thời gian thực hiện hành vi thường vào đêm khuya hoặc thời điểm người bị hại không ở nhà, không chú ý đến tài sản của mình.


Như chuyên án trộm cắp tài sản do Công an TP Hà Tĩnh phá ngày 16/6/2010, bắt giữ 5 đối tượng trong ổ nhóm do Nguyễn Văn Hòa (1957), ở xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh cầm đầu; Phan Ngọc Bằng (1984), Nguyễn Hữu Chất (1991), Trần Bá Đường (1984) và Nguyễn Văn Vương (1991), đều trú xã Thạch Thắng, Thạch Hà, Hà Tĩnh; trong đó, Nguyễn Văn Hòa là đối tượng đã có tiền án về tội trộm cắp tài sản. Nhóm này thường hoạt động vào ban đêm, lân la tại các khu dân cư ở nhiều huyện, thành phố để gây án, khi phát hiện thấy tài sản sơ hở là tiến hành gây án ngay; tài sản mà bọn chúng lấy chủ yếu là xe máy; ngoài ra có vụ chúng còn đột nhập vào nhà văn hóa trộm các loại tài sản như: tivi, loa máy, amply, ắc quy… Bọn chúng khai nhận đã gây ra 33 vụ trộm cắp tài sản trên các địa bàn Tp Hà Tĩnh, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà.


Bên cạnh mục tiêu lấy những loại tài sản có giá trị, dễ tiêu thụ, vận chuyển thì thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận xuất hiện một số nhóm đối tượng chuyên trộm trâu, bò của người dân. Chúng thường sắm vai là người đi buôn trâu, bò hoặc sử dụng xe ô tô nhiều chỗ ngồi rồi tháo ghế để chở trâu, bò; chúng dạo trên các tuyến đường ở vùng nông thôn vừa tìm hiểu địa bàn, vừa nhằm mục đích phát hiện những con trâu, bò chăn thả ở những khu vực vắng, ít người để gây án. Những vụ chúng thực hiện vào ban đêm thì thường chọn những nhà gần các trục đường lớn (QL 1A, QL 8A…); chúng đợi chủ nhà ngủ rồi lợi dụng việc chuồng trâu, bò được xây dựng gần cổng ra vào, cách biệt với nhà ở nên khó bị phát hiện, đột nhập vào bắt trâu, bò rồi đưa lên xe ô tô chờ sẵn và tẩu thoát rất nhanh.


Như chuyên án TB-2012 về trộm cắp tài sản Công an huyện Đức Thọ đã triệt phá: sau thời gian dài đấu tranh đến ngày 02/12/2012, Công an huyện Đức Thọ đã bắt giữ được 2 đối tượng là Phan Văn Thưởng (SN 1960) và Nguyễn Văn Ất (SN 1965), đều trú tại thị xã Hồng Lĩnh. Chúng khai nhận từ đầu năm 2012 đến tháng 12/2012, đã gây ra 34 vụ trộm trâu bò trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc… với tổng số trâu bò trộm được là 43 con, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Số trâu bò trộm được chúng thường vận chuyển bằng xe ô tô 24 chỗ ngồi ra địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) để bán.

Các đối tượng trộm cắp tài sản


Cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an, mà đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Với mục đích phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi phạm tội xảy ra, công tác phòng ngừa đóng vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trong thời gian tới, xin đề ra một số giải pháp như sau:


Một là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản để nhân dân nắm được và chủ động phòng ngừa; vận động nhân dân, bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp, trường học luôn đề cao tinh thần cảnh giác, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản.


Hai là, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động người dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, cung cấp các nguồn tin có liên quan giúp cơ quan Công an đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng.


Ba là, các lực lượng (Cảnh sát ĐTTP về TTXH, CS QLHC về TTXH, lực lượng Công an phường, Công an phụ trách xã) cần tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi răn đe, giáo dục các đối tượng thuộc diện quản lý.


Bốn là, tham mưu, phối hợp cùng UBND các cấp xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý thanh thiếu niên hư hỏng; tổ chức các lực lượng quần chúng tích cực tham gia công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở như: dân phòng, bảo vệ… Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm trộm cắp tài sản thông qua tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm có tình hình ANTT phức tạp.



Năm là, tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương có chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân; ưu tiên giải quyết việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng đã chấp hành xong hình phạt tù, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng về. Đây là giải pháp rất quan trọng, làm tốt công tác này không những giải quyết được các vấn đề xã hội mà còn xóa bỏ những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng./.


Khắc Tuân – PV11

CAHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP