Từ Hương Sơn, Trình – cháu tôi gọi điện: “Chú cố gắng sắp xếp thời gian để đi cùng cháu ra chợ Nhe mua trâu”. Tôi hơi băn khoăn vì cả đời chưa hề biết xem trâu thế nào. Nó bảo chú cứ yên tâm, xuống đó thế nào cũng có người mách nước cho, dân chợ Nhe sành sỏi về chọn giống trâu bò. Tôi đồng ý, thế là tối hôm sau Trình đã lọ mọ xuống nhà tôi, để đi cho thật sớm khi chợ đang đông người.
Tôi vào cổng chợ Nhe lúc trời còn sương giăng đầy lối xóm, vậy mà khu chợ đã chật ních trâu bò. Trâu bò từ trong Kỳ Anh ra, trâu bò từ trên thượng nguồn Cẩm Mỹ, Kẻ Gỗ xuống. Tiếng trâu đi thậm thịch, tiếng đuôi bò đập muỗi đen đét, tiếng người mua kẻ bán chào nhau càng làm cho không khí chợ Nhe trở nên rậm rịch, náo nhiệt.
Một góc chợ mua bán trâu bò. |
Chợ họp trên một khu đất rộng rãi thoáng mát, có chỗ cỏ mọc xanh um nhưng có chỗ là đất đỏ với những dấu chân trâu chân bò chồng lên nhau chi chít… Xung quanh khu đất được xây dựng một bờ tường dài bằng đá và ximăng kiên cố, cửa cổng mở đủ lùa cả hai con trâu bước sóng đôi. Lác đác trong khu chợ vài cây ngô đồng cuối đông đang trút lá ra lộc nõn. Từ lâu, việc buôn bán trâu bò chợ Nhe vẫn là địa điểm thu hút khách hàng nhất, đều đặn theo ngày chẵn.
Mỗi phiên chợ không dưới 200 con trâu, bò. Những ngày áp Tết, số lượng trâu bò lên tới 300 – 400 con. Chợ Nhe không có cảnh “giành mua cướp bán”. Chợ có vài ba người vừa bảo vệ trật tự vừa có nhiệm vụ bán vé cho khách vào chợ. Sau khi mua chiếc vé vào chợ với giá 20 ngàn đồng, tôi và Trình “tung hoành” khắp chợ Nhe.
Chỗ nào chúng tôi cũng được nghe tiếng chào mời hồ hởi thân mật. Hầu như những người bán đều là những người nông dân thật thà, chất phác. Một người phụ nữ trạc ngoài tuổi bốn mươi tên là Nga (quê ở Đồng Lộc) có bàn tay sần sùi đang dắt một con bò đực vàng, lông bóng mượt. Đây là một con bò theo giới buôn bán sành sỏi là “Khoẻ cày và tín chủ”. Dường như sắp phải chia tay với chủ cũ nên tâm trạng của con bò này có phần buồn hơn mọi ngày.
Lên xe về theo chủ mới. |
Thỉnh thoảng nó lại kêu rống lên và đôi mắt như ngân ngấn nước. Một khách từ Nghi Xuân đang ngã giá với chị Nga. Chị Nga kể với khách và cả người xem xung quanh đó cùng nghe: “Bí tiền quá nên em phải liều bán đấy. Con bò này cày rất khoẻ, một buổi vài sào đất là không mùi mẫn gì. Sáng ni em thuê xe tải đến chở, nhưng lùa mãi nó vẫn cứ đi vòng quanh chuồng. Thằng nhỏ em thì khóc và kêu mẹ bán bò rồi lấy chi để con chăn dắt.
Em dỗ nó, bố con đang nằm viện, anh con đang học đại học. Mẹ phải đứt ruột mà bán con ạ”. Lời kể của chị Nga rất thật thà khiến cho khách mua mủi lòng. Được một người giàu kinh nghiệm kiểm định con bò từ đầu, mông, vai, háng và còn vạch miệng bò ra để xem răng xác định tuổi, nên vị khách mua khá hài lòng con bò đạt đủ “tiêu chuẩn chất lượng cao”. Vị khách trả cho chị Nga một cái giá khá hời, 13 triệu đồng.
Tôi và Trình đang tiếp tục rẽ về hướng phải nơi có mấy người đàn ông đang bắt những con trâu của mình dàn hàng ngang thì bỗng gặp Khương, một đồng đội cũ. Khương quê ở thị trấn Nghèn, bây giờ cuộc sống khá giả hẳn lên bằng nghề kinh doanh bò “thương phẩm”. Công việc của anh là thường xuyên đúng ngày chẵn tới chợ Nhe mua trâu bò rồi nhập cho các đại lý gia công giết mổ.
Gặp lại bạn cũ, Khương xởi lởi: “Ngày trước về phục viên, gia đình hoàn cảnh lắm mày ạ. May sao tao còn có mấy đồng sổ thương binh và được vay tiền từ ngân hàng chính sách để làm nghề mới này. Nói đến dân chợ Nhe, mày biết đấy, khôn từ trong trứng khôn ra. Tao trưởng thành được nghề này phải mất học phí vài năm vì buổi đầu chưa có kinh nghiệm. Có lúc mình mua trâu về nhập cho mấy ông lò mổ xung quanh khu vực thị trấn Nghèn, nhưng họ chê ỏng chê eo nên đành phải chấp nhận lỗ mất vài triệu đồng. Lại có lần dắt bò về chưa kịp bàn giao cho lò mổ thì bò lăn đùng ra chết. Thứ bò ấy chỉ có chôn đi chứ làm được gì. Nhiều rủi ro thế nhưng tao không nản, thế rồi nhờ mình làm ăn thật thà và đúng hẹn nên dần dần phất lên”.
Khương nói tiếp: “Dân gian thường nói buôn có bạn, bán có phường, đúng thật, sau mấy lần thất bại tao phải quyết tìm bằng được những người hành nghề mua bò ở chợ Nhe để kết bạn. Đừng chủ quan, trâu bò đưa vào lò mổ, các chủ quán hàng ăn cũng kén thịt kinh lắm. Vả lại thỉnh thoảng báo đài cảnh báo dịch trâu bò lở mồm, long móng, mình không cẩn thận vớ phải của ôi này đem về bán cho họ thì coi như phá sản nghề cả hai phía”. Biết tôi và Trình đang muốn mua một con trâu tốt để cày, Khương vội vã vào xóm tìm người xem hộ. Một lát sau ông Quang mập xuất hiện.
Quang mập là người có thâm niên xem tướng giống trâu bò hơn hai chục năm nay. Cũng nhờ có cái nghề này nên ông nuôi được cả nhà. Quang mập chất phác, thật thà và không bao giờ mặc cả tiền công. Gặp người quen, người nghèo khổ ông không lấy tiền. Nhưng thỉnh thoảng gặp đôi khách sộp hào phóng ông vẫn kiếm được vài trăm ngàn đồng. Còn dân thường “trả phí” xem tướng vài ba chục ngàn đồng.
Ông Quang mập bảo chú cháu tôi: “Chú đưa cháu vô chợ Nhe mua trâu là đúng sách rồi. Bởi dân chợ Nhe không chỉ mình tôi mà nhiều người có kinh nghiệm xem tướng trâu bò. Mua trâu bò cày kéo hay cung cấp cho các lò mổ cũng phải hết sức thận trọng. Thời ni họ có đủ cách làm cho bò trâu đẹp lên trước lúc vào chợ, nào là tìm cách vỗ béo, cho thuốc kích thích trước ngày bán, nào thẩm mỹ cho da mượt lông trơn, kể cả những tướng xấu bề ngoài cũng được nhuộm phẩm màu ngụy trang hết. Nhiều người đi mua bò ở chợ Vinh hay các đô thị khác đã mua phải hàng dởm, còn tại chợ Nhe thì dân ít mắc vì hàng dởm khó vượt mặt chúng tôi được”.
Ông Quang mập đọc lại cho tôi câu tục ngữ nói về tướng trâu bò: “Đầu tang, xoáy ốc, hàm sa. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, rồi bảo: “Từ xưa các cụ đã dạy mình thế để tránh xa hạng trâu bò này. Nhưng nếu không quen xem tướng, nhiều người dắt về sau vài tuần lễ mới ngã ngửa ra. Chỉ xung quanh cái xoáy thôi cũng bộc lộ nhiều thói hư tật xấu của trâu bò, nào là loại trâu bò không chịu về chuồng, thích nằm “trăn” (ngủ đêm trong rú); nào là loại ngứa sừng hễ nhìn thấy “bạn mình” là nhảy vào húc; nào là loại lười biếng chỉ thích ăn, nhác cày bừa… Nó đều thể hiện ở cái xoáy đấy”.
Ông Quang mập còn tiết lộ cho tôi biết chọn trâu người ta kỵ nhất là trâu cười (ban đêm cầm đèn pin soi vào mặt thì nó nhe răng) hay trâu “tam trinh” (ba mắt – có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ ba) bò “bạch thiệt” (trắng lưỡi) hay bò đốm đuôi (đuôi bị trắng). Những hạng này không may vớ phải thì chẳng khác gì đem tiền vứt xuống sông.
Đi dạo gần một tiếng đồng hồ chú cháu tôi mồ hôi vã ra như tắm, lúc này ông Quang mới để mắt tới một nông dân người Cẩm Mỹ đang cột trâu vào gốc cây chờ đợi khách mua. Ông Quang mập giải thích cho chúng tôi: “Đây là loại trâu mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn. Mua con này về được các ưu điểm: Thứ nhất ăn khoẻ và tạp ăn từ cỏ đến lá cây, day khoai…, thứ hai là cày khoẻ, thứ ba là phát triển giống tốt, nuôi nó một thời gian sẽ có thêm nghé con”.
Ông Quang mập ghé tai tôi nói nhỏ: “Cứ trả, nếu họ đồng ý được 16 triệu đồng thì ta dắt”. Té ra người nông dân tưởng như ngờ nghệch kia cũng là một tay “kỹ tính” và muốn số tiền con trâu của mình cao nhất chợ nên nói giá tới 20 triệu đồng. Khi chúng tôi đang ngã giá thì có vài ba thanh niên xúm lại, nhưng phát hiện ra ông Quang người quen nên họ lùi sang chỗ khác.
Ông Quang mập cho biết đây là nhóm cò trâu bò chợ Nhe, ở chợ này thường có nhiều tốp cò như thế. Hầu như các khách lạ không có người quen đều phải dựa vào cò. Người mua nộp phí cho cò, người bán nộp phí cho cò. Nói tóm lại cò được hưởng lợi phí đôi đường. Tuy vậy ở chợ Nhe nhờ chính quyền xã Vĩnh Lộc làm nghiêm nên dẹp được nạn cò tranh giành khách… Sau một hồi “cò kè bớt một thêm hai” không ngã ngũ, Khương rủ ông Quang mập cùng tôi và Trình đi giải lao bằng cách tìm quán phở ngon điểm tâm cho lại sức đã. Ông Quang mập đinh ninh rằng thế nào cũng quay lại mua con trâu đã chọn đó, vì chủ nó vẫn chưa bán được cho ai đâu.
Cả nhóm ăn uống thuốc nước no nê rồi quay lại chợ Nhe, lúc này đã 10 giờ trưa, người bán kẻ mua đã về gần vãn chợ. Không hiểu vì cái son của người mua hay cái duyên của ông Quang mập xem tướng mà anh nông dân Cẩm Mỹ kia chấp nhận bán theo giá chúng tôi mặc cả. Trình cẩn thận mở gói tiền cất khư khư trong quần trả cho khách. Khi con trâu đen láng được giao lại thì một chiếc xe tải chuyên nghề chở trâu bò đậu bên công chợ. Anh tài xế vội đặt ngay hai phiến ván gỗ để trâu bước vào.
Phan Thế Cải
Nguồn : Lao Động