|
Hình ảnh polyp đại trực tràng |
Tại Bệnh viện K hầu như năm nào cũng gặp trường hợp bệnh nhân bị polyp tuyến gia đình, vì bệnh có yếu tố gia đình nên khi phát hiện các thành viên trong gia đình đều phải đi kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn C. quê Nam Sách, Hải Dương không may bị ung thư đại trực tràng. Khi bác sĩ khám cho ông phát hiện ông bị polyp tuyến, cả đại trực tràng chẳng khác nào chùm sung với các khối polyp to nhỏ, trong đó có những khối polyp to đã bị ung thư hoá.
Khi bác sĩ khuyên cả gia đình kiểm tra thì thấy cả con trai trưởng của ông C. 34 tuổi cũng bị polyp tuyến. Sau khi được bác sĩ tư vấn, con trai của ông C. cũng phải cắt bỏ đại trực tràng để phòng tránh ung thư sau này.
Trường hợp như gia đình ông C. không phải là hiếm. Bệnh viện K trước đó đã có nghiên cứu trên 9 gia đình có tỷ lệ polyp tuyến và trong đó đã có trường hợp bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ đại trực tràng để phòng chống bệnh ung thư xuất hiện sớm nhất. Theo các bác sĩ đây là cách phòng ung thư hiệu quả nhất đối với polyp tuyến.
Hay như trường hợp của anh Vũ Quốc Đ. trú tại Bắc Ninh không may mắn bị ung thư đại trực tràng. Khi anh thấy dấu hiệu đi ngoài ra máu, đau bụng dưới anh đã tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ tiến hành nội soi đại, trực tràng thì phát hiện có các ô polyp và bấm sinh thiết kết quả ung thư trực tràng.
Anh Đ tâm sự, bố anh cũng qua đời vì ung thư đại trực tràng cách đây 8 năm. Gia đình anh không ai biết bệnh này có thể liên quan tới yếu tố gia đình. Chỉ đến khi kiểm tra đó là bệnh lý đa polyp tuyến, một chứng bệnh có thể gây ung thư và mang yếu tố gia đình.
Theo thống kê của bác sĩ ở Bệnh viện K, 100 bệnh nhân ung thư đại trực tràng chỉ có 1 bệnh nhân do polyp tuyến gia đình nhưng nếu ở quần thế rộng thì con số này cũng thực sự đáng báo động khi bệnh ung thư đại, trực tràng đang là căn bệnh ung thư đứng trong top 5 ở Việt Nam.
Cần phẫu thuật sớm
TS. BS Nguyễn Quang Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tổng hợp Bệnh viện K Trung ương cho biết, polyp là sự phát triển bất thường của các mô ở niêm mạc có hình dạng như khối u. Đa polyp tuyến gia đình là bệnh có hàng nghìn polyp ở đại trực tràng, tiêu chuẩn chẩn đoán của nó là phải ở tất cả các phần của đại tràng (bao gồm đại tràng phải, đại tràng trái, đại tràng ngang, đại tràng sigma và trực tràng) với số lượng 100 polyp trở lên.
Người bị bệnh có thể là người đầu tiên trong dòng họ nên yếu tố tiền sử không cần quan tâm đến. Tuy nhiên, đây là bệnh mang tính chất gia đình, thông thường gặp ở những người có họ hàng cận huyết bậc 1 tức là bố mẹ, anh chị em ruột.
Bác sĩ Thái cho biết, 100% người mắc polyp tuyến gia đình đều sẽ bị ung thư, thông thường, tất cả những bệnh nhân có polyp tuyến gia đình đều có nguy cơ ung thư trước 40 tuổi, không có bệnh nhân nào sau 40 tuổi mà không bị ung thư.
Ghi nhận các trường hợp dưới 40 tuổi đa số cũng bị ung thư vì mắc đa polyp, nếu không cắt bỏ đại trực tràng sớm thì nguy cơ ung thư là 100%.
Khi bị polyp tuyến, việc cắt đại trực tràng như thế nào cần được bác sĩ xem xét bởi vì nếu cắt hết đại trực tràng thì người bệnh sẽ phải đeo hậu môn nhân tạo, chất lượng sống của người bệnh giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, các bác sĩ sẽ cân nhắc, nếu lượng polyp ở trực tràng tương đối thấp thì có thể giữ lại cơ tròn, nối hồi tràng với trực tràng, sau đó phải cắt đốt thật tốt những polyp ở phía dưới. Nhưng cách này vẫn chưa phải triệt căn, nguy cơ ung thư vẫn có.
Cuộc phẫu thuật cắt hết hay giữ lại bác sĩ sẽ thảo luận và đưa ra các tình huống để gia đình người bệnh lựa chọn. Cách phòng và sớm phát hiện nhất, theo bác sĩ Thái mỗi người sau tuổi 30 nên tiến hành nội soi đại, trực tràng 1 lần/2 năm. Những người có nguy cơ cao như bị polyp cần thực hiện năm 1 lần để phát hiến sớm bệnh.