Đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng về quê hương Việt Xuyên |
Năm 7 tuổi, Lê Văn Trọng được tham gia học tập tại Trường Sơ học của cụ Tú Đặng. Tuy ít tuổi nhất lớp nhưng Trọng rất chăm chỉ lao động, học Hán văn, sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, kịch liệt đấu tranh đánh đổ thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Mục đích của hội là chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản.
Cuối năm 1926, Lê Văn Trọng được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội chọn sang Quảng Châu học tập và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Lê Hữu Trọng lấy tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy – tên gọi bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ).
Phần mộ và đài tưởng niệm Lý Tự Trọng |
Lý Tự Trọng và các thành viên trong nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam” mang họ Lý được các đồng chí trong Tổng bộ hướng dẫn và hiểu được tại sao phải làm cách mạng đánh thực dân Pháp, vì sao phải lập hội, chủ nghĩa cộng sản là gì. Sau đó, Lý Tự Trọng được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học cấp tiểu học thuộc Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.
Sau một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu. Vốn thông minh, hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội với tổ chức Đảng Trung Quốc và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng thời, Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt: vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản.
Mặc dầu công việc hết sức nguy hiểm, bọn mật thám suốt ngày lùng sục, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, không quản ngại hy sinh cùng tài trí thông minh, Lý Tự Trọng đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
(Theo tài liệu hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh)
P.V/