Kinh tế

Lương tối thiểu 2018: Chốt mức tăng 6,5 %

Sáng ngày 7/8 tại Hà Nội, sau hơn 2 giờ bàn thảo, cuộc họp lần 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia về mức đề xuất tăng lương tối thiểu 2018 đã kết thúc. Các bên đồng ý với mức đề xuất tăng là 6,5 % so với lương tối thiểu vùng 2017, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương.

Sau 3 vòng đàm phán, câu chuyện bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng thực chất là diễn biến thu hẹp khoảng cách giữa đề xuất mức tăng giữa các bên.

Nếu như ban đầu, cuộc họp hôm 26/7 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức 13,3% và VCCI đề xuất không tăng.

Tại cuộc họp lần 2, hôm 28/7 tại Hà Nội, mức đề xuất đã thu hẹp lại với 3 %. Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng 8 % và VCCI đề xuất tăng 5 %.

“Tại cuộc họp lần 3, sau nhiều tranh luận của các bên, chúng tôi đã tìm ra sự thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Đây là kết quả của cuộc bỏ phiếu của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới” - ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết.

Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 (tăng 6,5 % so với lương tối thiểu vùng năm 2017).

Theo ông Doãn Mậu Diệp, trong cuộc họp sáng nay, Hội đồng đã đưa ra hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu.

“Kết quả bỏ phiếu có 6/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 7%, 8/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 6,5%. Do đó, hội đồng quyết định lựa chọn phương án tăng 6,5% để trình lên Chính phủ” - ông Doãn Mậu Diệp nói.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí: Liệu có hài lòng với kết quả tăng 6,5 % so với lương tối thiểu năm 2017?

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN - cho biết: Đại điện người sử dụng lao động chưa cảm thấy thoả mãn với mức tăng này.

“Tuy nhiên, với mức tăng 6,5% thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020. Mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của người lao động với doanh nghiệp” ông Mai Đức Chính nói.

Về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, cũng cho rằng chưa hài lòng với kết quả này.

Bảng thống kê tăng lương tối thiểu vùng từ năm năm 2015 tới 2018.

Ông Hoàng Quang Phòng nói: “Việc tăng lương tối thiểu giúp tăng mức sống của người lao động nhưng cần phải đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển và có sức cạnh tranh”.

Mức đề xuất này thực tế đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp, trong khi đang cần phải tạo “dư địa” cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững và cạnh tranh.

“VCCI mong muốn người lao động phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và năng suất lao động. Qua đó có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ doanh nghiệp mang lại. Chỉ có sự cố gắng của 2 bên thì mức sống của người lao động mới có thể tăng lên được” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình. Với phương án tăng lương trung bình 6,5% thì lương tối thiểu đáp ứng từ 92-96% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả ở châu Mỹ, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu”.

Tác giả: Hoàng Mạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP