Kinh tế

Lương tăng quá nhanh, nhiều lao động sẽ mất việc làm

Lương tối thiểu ở Việt Nam đang tăng quá nhanh, trong khi năng suất lao động không tăng, dẫn đến nguy cơ mất việc làm của nhiều lao động.

Tăng lương phải đi liền với tăng năng suất lao động

Báo cáo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố đã chỉ ra, lương tối thiểu của Việt Nam đang tăng rất nhanh trong suốt một thập kỷ qua, trong khi năng suất lao động lại không tăng tương ứng. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ nhiều lao động sẽ bị mất việc.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, lương tối thiểu vùng từ 2009 đến 2016 đều tăng nhanh hơn CPI và GDP bình quân đầu người. Lương thực tế trung bình tăng gấp đôi trong giai đoạn 2004-2015. Kéo theo đó, chi trả cho bảo hiểm gồm: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, công đoàn phí tăng theo thời gian.

“Chi phí tối thiểu các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh (gồm tổng lương tối thiểu và đóng góp vào bảo hiểm) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan và cao hơn mức chi phí tại Indonesia. Lương của người lao động Thái Lan không cao hơn chúng ta trong khi thu nhập của họ cao hơn. Điều này rất quan trọng, vì các yếu tố này đều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, sử dụng lao động” - ông Nguyễn Đức Thành nói.

Cũng theo Viện trưởng VEPR, so sánh tăng lương của Việt Nam với Trung Quốc sẽ cho thấy sự bất hợp lý. Cụ thể, trong giai đoạn 2004-2015, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Trung Quốc là 9,1%, trong khi con số này tại Việt Nam là 4,4%. Tuy nhiên, lương trung bình của người lao động Trung Quốc tăng chậm hơn, khiến lợi nhuận của giới chủ liên tục tăng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Còn tại Việt Nam, mức tăng lương trung bình nêu trên vượt qua cả tăng năng suất lao động nên làm giảm tích lũy tư bản, giảm động cơ tăng trưởng kinh tế.

Trước năm 2010, Việt Nam kỳ vọng năng suất lao động tăng cao. Tuy nhiên, bản chất của việc tăng năng suất lao động trong giai đoạn này lại chủ yếu do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Điều này khiến tiền lương tăng cao, giá trị lao động ngành này tăng hơn so với nông nghiệp nên năng suất lao động tăng một cách cơ học.

Gần đây, năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đều bị giảm, không tăng được do lao động không được nâng cao về trình độ, chỉ giới hạn có vậy, trong khi lương tối thiểu cứ tăng dẫn đến sự bất hợp lý nêu trên.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta cứ tưởng tăng lương tối thiểu để bảo vệ người lao động, nhưng vô tình chính sách này lại khiến nhiều người bị loại ra khỏi thị trường lao động hơn”.

Trên thực tế, khi lương tăng, các doanh nghiệp có xu hướng giảm bớt chi tiêu cho lao động, thay vào đó là tăng chi cho máy móc. Điều này đang xảy ra với những ngành dùng nhiều lao động như: sản xuất đồ uống, dệt may, da giày…

“Nếu người ta thấy việc đầu tư vẫn hiệu quả, họ sẽ cắt giảm lao động để đầu tư vào máy móc. Một số ngành họ nghĩ rằng tiền lương tăng lên vắt kiệt lợi nhuận, nên thu hẹp sản xuất, không đầu tư vào máy móc và giảm cả lao động. Có doanh nghiệp không tuân thủ, không cắt giảm lao động nhưng không tăng lương. Bi quan hơn, nhà đầu tư có thể thấy với tốc độ tăng lương thế này họ thấy không còn cơ hội lợi thế của Việt Nam nữa, nên có động thái rút dần đầu tư” - vị chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP