Trong khi đó, lương người lao động Việt Nam hiện nay quá thấp, và hầu hết không đủ sống.
Ngày 13-9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức hội thảo tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của VEPR, giai đoạn 2007-2015, lương tối thiểu của Việt Nam tăng mức trung bình cao, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động.
Cụ thể, năm 2007 lương tối thiểu trên năng suất lao động là 25% nhưng đến năm 2015 đạt mức 50%. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã giãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VIẾT LONG |
Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 4,4%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân của lương là 5,8%. Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
"Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình nếu kéo dài sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế...", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định.
Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng VEPR tính mức tăng năng suất lao động toàn xã hội để so sánh mức tăng lương tối thiểu vùng là không đúng: "Mức tăng lương tối thiểu vùng phải được so sánh với mức tăng năng suất lao động khu vực doanh nghiệp mới đúng vì hiện nay việc tăng lương tối thiểu vùng diễn ra ở khu vực doanh nghiệp...", ông Chính nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chính, không nên so sánh tốc độ tăng lương của Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan vì mức lương của các nước đã cao nên chỉ tăng ở mức độ vừa phải. Trong khi đó, lương người lao động Việt Nam hiện nay quá thấp, và hầu hết không đủ sống.
Cụ thể, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn, chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.
Tác giả: VIẾT LONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM