Trong nước

“Lương công chức mà có khối tài sản kếch xù thì lấy ở đâu ra”

Việc cán bộ giải thích có khối tài sản lớn là nhờ bán chổi đót, nuôi lợn, nuôi gà… đã làm giảm lòng tin của nhân dân.

Số kê khai tài sản thiếu trung thực thực tế cao hơn

Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 do ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày trước Ủy ban Tư pháp Quốc hội chiều 5/9 cho biết, năm 2016 có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, 77 người được xác minh, 3 trường hợp thiếu trung thực, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Ngoài ra, đã có 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (Quảng Nam 1 người, Kiên Giang 3 người).

"Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận" - ông Huẩn cho biết.

Ông Đỗ Văn Ân - nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đọc những con số trên, ông Đỗ Văn Ân – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ không khỏi hoài nghi. Ông cho rằng, những trường hợp kê khai tài sản không đúng, không đầy đủ theo quy định như bà Hồ Thị Kim Thoa không phải là cá biệt.

Theo đó, nếu công khai cho dân biết tất cả tài sản của cán bộ thuộc diện kê khai và có sự thẩm tra của cơ quan cấp trên thì ông tin số liệu sẽ không chỉ dừng lại như những con số trong báo cáo.

Theo ông Ân, tham nhũng vẫn được đánh giá diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là do con người, do công tác cán bộ thời gian qua có nhiều nơi còn buông lỏng.

“Công tác đánh giá, đề bạt cán bộ trong thời gian vừa qua có nhiều bất cập, không chính xác nên vẫn còn hiện tượng lợi ích nhóm, bảo kê cho nhau, hiện tượng nể nang, né tránh. Tôi không đụng đến anh thì anh cũng không đụng đến tôi vẫn còn khá phổ biến” – ông Đỗ Văn Ân nêu quan điểm.

Tài sản bất minh phải bị tịch thu

Thực tế cho thấy, hàng năm đều công khai số liệu kê khai tài sản nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít hơn. Người bị phát hiện kê khai không đúng lại chưa bị xử lý về tài sản mà mới xử lý về mặt hành chính, chính trị.

Trong khi đó, không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách bất thường, sở hữu khối tài sản “khủng”, biệt phủ, ô tô đắt tiền… lên tới hàng chục tỷ đồng thậm chí nhiều hơn gây bức xúc trong nhân dân, nhưng không được giải trình thỏa đáng, công tâm, minh bạch. Những thông tin như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước nói chung mà còn ảnh hưởng tới nhiều cán bộ trong sạch, liêm khiết nói riêng.

“Dù cán bộ được công nhận đã kê khai tài sản nhưng không thể qua được mắt dân. Bởi vì lương công chức của anh thế này mà lại có khối tài sản kếch xù thế kia thì anh lấy ở đâu ra? Anh giải thích có khối tài sản lớn là nhờ bán chổi đót, nuôi lợn, nuôi gà mới có thì thật nực cười. Giải thích như vậy càng làm giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan chức năng” – ông Đỗ Văn Ân nói.

Bà Tạ Thị Minh Lý – nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập cũng như công khai bản kê khai còn hình thức. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai, trong khi chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực.

“Muốn giám sát để ngăn chặn tham nhũng, cần có hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ. Cụ thể là quản lý tốt đầu vào, tức là mỗi cán bộ cần đăng ký tài sản đang hiện hữu, kể cả tài sản mới phát sinh, đồng thời phải giải trình tài sản đó do đâu mà có, mua khi nào, chủ sở hữu là ai. Gốc của vấn đề là toàn bộ tài sản và nguồn thu nhập phải được đăng ký, có đóng thuế” – bà Tạ Thị Minh Lý cho biết và nhấn mạnh với trường hợp không giải thích được thì phải xử lý nghiêm.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Văn Ân cũng cho rằng để việc kê khai tài sản đạt hiệu quả thì công tác quản lý cán bộ, đảng viên phải rất chặt chẽ từ cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu; các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải trong sạch, liêm khiết, nghiêm túc, không nể nang, né tránh.

Các bản kê khai tài sản hàng năm cần được giám sát, thẩm tra, kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng. Mọi tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc phải bị tịch thu.

“Đảng, Nhà nước chủ trương và có giải pháp chống tham nhũng được nhân dân đồng tình ủng hộ, song việc tổ chức thực hiện phải đến nơi đến chốn. Trước hết là phải kiểm soát được các cơ quan thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở, rồi đến các cơ quan quan trọng có nhiều cơ hội, môi trường để tham nhũng. Nếu làm được như vậy, tôi tin sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân” – nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh.

Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Theo đó, những cán bộ này tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ”tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm…

Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành quy định số 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

Các quy định trên cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được thực hiện với quyết tâm cao nhất, mà trước tiên là từ các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Điều này càng khẳng định quyết tâm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, bất kể ai vi phạm dù ở cương vị nào cũng đều bị xử lý nghiêm minh./.

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP