Uất ức Đứng giữa trang trại chăn nuôi tổng hợp tiền tỷ, trong phút chốc bị nhóm người “ghen ăn tức ở” đập phá tan tành, anh Trần Hữu Tị – chủ trại uất ức: “Hết sạch rồi, chuồng trại, ao cá… tất cả mồ hôi, nước mắt bỏ ra chưa thu được bao nhiêu đã ra thế này đây”. Trang trại của anh Tị có diện tích 22.000m2 thuộc khu Đồng Truồng, ở xóm 1, xã Thạch Mỹ trước đây là diện tích đất canh tác của 67 hộ dân nhưng do đất cằn cỗi nên sau đó họ bỏ hoang.
Năm 2004, 2005, anh Tị đã được Ban chỉ huy xóm 1 và UBND xã kí hợp đồng đấu thầu khu đất đó để làm trang trại. Thời hạn đến 2018. Anh Tị đã dồn tiền, rồi vay thêm ngân hàng để thuê máy móc, nhân công cải tạo, đầu tư xây dựng mô hình nuôi trồng thủy, hải sản kết hợp chăn nuôi gà, vịt. Trang trại đã được Hội nông dân huyện trao bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp của anh sau đó đã được Liên minh HTX tỉnh công nhận là thành viên.
Khi mồ hôi, công sức đang được đền đáp xứng đáng thì bỗng dưng trang trại của anh Tị bị nhóm người đến đập phá, đòi đất vô cớ trước sự bất lực của chính quyền. “Trang trại của tôi bị đập phá liên tục trong 3 ngày 1, 2, 3/9, có cả cán bộ xã, công an, quân sự trên huyện về mà họ không ngăn cản, cứ để mặc cho người ta ngang nhiên phá hoại trắng trợn” – anh Tị bức xúc.
Phá hoại tài sản công dân Từ giữa tháng 4, nhiều hộ dân xóm 1 đòi thu hồi đất tại trang trại của anh Tị để họ tiếp tục canh tác nông nghiệp thì UBND xã Thạch Mỹ đã họp để thống nhất thanh lý hợp đồng thuê đất với anh Tị và hứa sẽ giải quyết xong xuôi, trả lại mặt bằng trước ngày 30/8.
Hình ảnh hàng chục người đập phá trang trại anh Tị (ảnh do gia đình cung cấp). Sau ngày 30/8, chưa thấy UBND xã Thạch Mỹ thanh lý hợp đồng với anh Tị để trả lại mặt bằng thì đa số các hộ dân xóm 1 đã kéo nhau đến tự ý đập phá trang trại của anh Tị.
Sau sự việc đáng tiếc xảy ra, ngày 6/9 UBND huyện Lộc Hà có thông báo: Hợp đồng của Ban chỉ huy xóm 1 và hợp đồng của UBND xã Thạch Mỹ với ông Tị là sai quy định. Vì vậy, yêu cầu xã thực hiện chấm dứt hợp đồng kí ngày 01/1/2005 với ông Trần Hữu Tị để hoàn trả lại mặt bằng. Trước thực tế trên, ngày 07/9, UBND xã Thạch Mỹ đã làm việc với chủ trang trại và anh Tị đã kí vào biên bản chấp nhận chấm dứt hợp đồng thuê đất ngày 01/1/2005 mà trước đây UBND xã Thạch Mỹ đã kí.
Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn không thể đi đến “tiếng nói chung” bởi số tiền bồi thường đưa ra quá chênh lệch.
Theo anh Tị, với công sức, chi phí bỏ ra đầu tư, khi đang làm ăn hiệu quả thì bị phá hoại, phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn là điều rất buồn bực, nhưng giờ không biết phải làm sao nữa. Theo thống kê của chủ trang trại, đồ đạc bị đập phá lên đến 1,2 tỷ đồng.
Để vớt vát, anh chỉ yêu cầu bồi thường số tiền 565 triệu đồng nhưng UBND xã Thạch Mỹ không chấp nhận càng khiến anh bức xúc thêm. Chính quyền không ngăn cản vì… “nhạy cảm”
Một lãnh đạo huyện Lộc Hà cho biết, trang trại của ông Tị trước đây được xóm 1 và UBND xã Thạch Mỹ kí hợp đồng cho thuê đất thời hạn 13 năm 7 tháng là trái với luật đất đai.
Đáng nói là hợp đồng được kí sau khi đã có luật đất đai năm 2003, nhưng do cán bộ địa phương yếu kém, không nắm rõ luật nên đã làm sai. Còn Bí thư huyện ủy Lộc Hà, bà Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng, ở một diện tích đất hoang hóa, cằn cỗi mà làm được trang trại như ông Tị dù chưa phải là đạt hiệu quả xuất sắc nhưng cũng là một mô hình kinh tế rất đáng ghi nhận.
Khi nhận được thông tin một số người dân do bị kích động đã đập phá trang trại của ông Tị, huyện đã cử một số cán bộ phòng, ban, công an, quân sự về hiện trường. “Do thời điểm đó là nhạy cảm, không thể triển khai ngăn chặn ngay được để tránh xảy ra xô xát, bạo lực” – bà Nữ Y nói. Cũng theo bà Nữ Y, hiện huyện đang chờ bên UBND xã Thạch Mỹ đền bù thanh lý hợp đồng với chủ trang trại. Nếu không thống nhất được, bên chủ trại có nhờ tòa án giải quyết. Liên quan đến vụ việc phá hoại tài sản trên, ông Phương, Trưởng CA huyện Lộc Hà cho biết, công an đã vào cuộc ngay từ đầu. Hiện vẫn đang trong quá trình điều tra.
Trần Văn – Duy Tuấn
VietNamNet.vn