Lộc Hà

Lộc Hà – ngổn ngang chuyện “nhà nghèo ra ở riêng"

Lộc Hà (Hà Tĩnh) được ví như "nhà nghèo ra ở riêng". Đã qua 4 năm nhưng do xuất phát điểm thấp, lại rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế nên đến nay huyện vẫn đang thiếu thốn trăm bề, trong đó, quan trọng nhất là thiếu nguồn cán bộ và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

4 năm trước, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ ra mắt huyện mới Lộc Hà trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập 13 xã biển ngang của huyện Thạch Hà và Can Lộc với dân số khoảng 9 vạn, trong đó 16,7% giáo dân.


Thời gian 4 năm để xây dựng huyện mới là không nhiều, cộng với mặt bằng kinh tế – xã hội còn thấp, lại rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế nhưng Lộc Hà đã có bước chuyển mình đáng kể. Đầu tiên là công tác quy hoạch huyện lỵ và phát triển kinh tế – xã hội được đặt lên hàng đầu với định hướng làm vệ tinh cho thành phố Hà Tĩnh và tập trung phát triển kinh tế biển.


Bên cạnh việc tập trung thu hút các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Lộc Hà chú trọng xây dựng nông thôn mới, tập trung xóa đói giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Một loạt công trình đang được triển khai và đưa vào sử dụng như: trường học, bệnh viện, nâng cấp các tuyến đê, trụ sở các cơ quan cùng một số tuyến giao thông huyết mạch.


Thạch Châu là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đang triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới và là điểm sáng văn hóa của Hà Tĩnh. Thạch Bằng với 1/3 dân số là giáo dân đã được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc về an ninh vùng giáo. Thạch Kim với cảng cá tấp nập tàu thuyền ra khơi (khoảng 9.000-10.000 lượt chiếc/năm) và 25 kho đông lạnh do người dân năng động đầu tư, mỗi năm tiêu thụ, chế biến khoảng 5.000 – 6.000 tấn hải sản đang dần trở thành trung tâm thủy sản lớn của tỉnh…

Lộc Hà - ngổn ngang chuyện “nhà nghèo ra ở riêng`

Sản xuất lạc bằng bằng phương pháp che phủ ni lông

Bên cạnh các mặt được, Lộc Hà còn nhiều điều trăn trở, khó khăn của “nhà nghèo ra ở riêng”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trăn trở nhất và cũng là khó khăn lớn nhất của Lộc Hà đó là thiếu nguồn cán bộ.


Đáng lẽ đối với huyện mới, lại nghèo và bộn bề khó khăn, tỉnh cần ưu tiên đội ngũ cán bộ nhiệt huyết, có năng lực để bám trụ đến cùng, làm cho “ra tấm, ra miếng”. Nhưng đáng tiếc, cán bộ quy tụ về đây phần lớn là từ các địa phương khác “góp” lại. Trong lúc nguồn biên chế công chức có hạn, nhưng một số cán bộ không muốn về Lộc Hà nhận công tác?!. Bằng chứng là đến thời điểm này, khối cơ quan huyện, công an huyện… còn thiếu hàng chục chức danh từ cấp phòng, đội trở lên.


Đáng nói hơn, theo tâm tư của những người có tâm huyết là một số cán bộ về Lộc Hà đều nặng tư tưởng: “đi nghĩa vụ”!. Tuy đang công tác ở Lộc Hà nhưng “tai mắt” vẫn để nơi khác, và khi có cơ hội là lên tỉnh hay chuyển công tác đến nơi thuận lợi hơn. Một trong những lý do họ đưa ra là để hợp lý hóa gia đình (hiện nay, gia đình nhiều cán bộ Lộc Hà vẫn đang ở thành phố Hà Tĩnh, Can Lộc, Thạch Hà…).


Bên cạnh đó, đời sống cán bộ tương đối tạm bợ. Ngay cả đội ngũ cán bộ khối Huyện ủy nhiều năm liền “cơm hàng cháo chợ”, nằm ngủ trên bàn, nền nhà… và chỉ gần đây thôi, mới tổ chức bếp ăn tập thể; mỗi phòng, ban mới có giường xếp, chăn chống rét phục vụ mấy đợt rét hại vừa qua.


Do thiếu nước ngọt trầm trọng nên cứ vào đầu tuần, mỗi cán bộ từ nhà đến cơ quan đều chở theo một can để sinh hoạt.

Lộc Hà - ngổn ngang chuyện “nhà nghèo ra ở riêng`

Một góc thị tứ Thạch Châu

Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thị Nữ Y cho biết: Bên cạnh thiếu nguồn cán bộ, vấn đề nan giải thứ hai đối với Lộc Hà hiện nay là thiếu nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thật. Để xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện mới cần hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng Lộc Hà rất “đói” vốn đầu tư và vốn cấp khá nhỏ giọt.


Chỉ tính trong năm 2011, Lộc Hà cần số vốn xây dựng cơ bản tối thiểu khoảng 388 tỷ đồng, nhưng mới nhận được thông báo khoảng 50 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu khoảng 15 tỷ đồng; năm 2010 cũng không khá hơn là bao. Vì thế, nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật quan trọng đối với huyện lỵ đang thi công dở dang.


Đơn cử, toàn bộ tuyến giao thông của huyện mới đã được quy hoạch, nhưng đến nay chưa xây dựng hoàn chỉnh một tuyến đường nào. Riêng tỉnh lộ 9 – tuyến đường huyết mạch dài 15 km thông thương giữa Lộc Hà với thành phố Hà Tĩnh, với số vốn đầu tư khoảng 315 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2008, nhưng phải đến năm 2014 mới có thể hoàn thành vì… thiếu vốn. Đến nay, khối lượng thi công công trình này đạt 107 tỷ đồng, trong khi kinh phí mới cấp 37 tỷ đồng. Đường dở dang, giao thông đi lai khó khăn ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của địa phương.


Một lãnh đạo huyện trăn trở: cách thành phố Hà Tĩnh chỉ có 15 km mà xe ô tô đi mất cả tiếng đồng hồ; lại nắng bụi, mưa lầy, đến người dân cũng ngán ngẩm mỗi khi đi qua đây, chứ đừng nói chi đến nhà đầu tư. Nhiều hạng mục đã hoàn thành như trụ sở huyện ủy, UBND huyện… nhưng đến nay vẫn chưa có đường chính để vào, phải mở đi đường tạm. Điểm nhấn của Lộc Hà lúc này là Bệnh viện huyện 120 giường bệnh vừa đưa vào sử dụng, nhưng vẫn đang thiếu nhiều khoa quan trọng như: nhi, sản, lao phổi…

Lộc Hà - ngổn ngang chuyện “nhà nghèo ra ở riêng`

Lễ hội chùa Chân Tiên ( Thịnh Lộc)

“Nhà nghèo” Lộc Hà “ra ở riêng” trong điều kiện còn nhiều khó khăn đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của trung ương và tỉnh. Có vậy, cùng với nỗ lực hết mình của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, Lộc Hà mới tháo gỡ được những khó khăn để nhanh chóng vươn lên.


Thành Châu – Ngô Tuấn

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP