Lộc Hà

Lộc Hà: Khó khăn trong công tác phòng chống Lao

Thời gian qua mặc dù Lộc Hà đã có nhiều cố gắng, song công tác phòng chống lao(PCL) tại đây còn đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng còn rất cao.

Xác định được phòng chống bệnh lao là xóa đói, giảm nghèo, xây dựng xã hội văn minh, phát triển. Thời gian qua, Lộc Hà đã có nhiều biện pháp PCL: thành lập tổ chống lao tại bệnh viện đa khoa gồm 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng và 1 y sỹ; có 3 phòng điều trị bệnh nhân lao nội trú và vào ngày thứ 5 hàng tuần phát thuốc cho bệnh nhân lao ngoại trú. Mỗi xã đều có 1 cán bộ phụ trách chống lao. Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa, hiện nay Lộc Hà có trên 70 bệnh nhân lao được quản lý và điều trị, trong đó 4 bệnh nhân kháng thuốc chuyển lên tuyến trên điều trị, 4 bệnh nhân điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay phát hiện mới 22 bệnh nhân lao, Tuy nhiên, số bệnh nhân này chủ yếu từ bệnh viện tỉnh chuyển về, phát hiện nguồn lao mới tại địa phương còn hạn chế. Đối với công tác phòng chống lao, việc phát hiện, xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là một khâu quan trọng quyết định rất lớn đến chất lượng quản lý và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên công tác phát hiện nguồn lây ở đây còn gặp không ít khó khăn, do nhận thức của người dân còn thấp. Bệnh nhân Trần Quốc Sĩ, 72 tuổi, Thịnh Lộc đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Lộc Hà kể: “Trước khi đến điều trị tại đây, tôi đã ho, người mệt mỏi, chóng mặt. Cứ tưởng là cảm cúm nên đã ra hiệu thuốc tây mua thuốc về uống nhưng đã hơn 10 ngày bệnh vẫn không giảm mà nặng hơn. Tôi đến đây khám, xét nghiệm đờm thì mới biết là bị bệnh lao. Mới điều trị được 1 tuần nhưng có đỡ hơn rồi”. Còn bệnh nhân Trần Quốc Tiến, 41 tuổi, Ích Hậu thì vào viện điều trị đến lần thứ 2, anh nói: “Cách đây 4 năm tôi bị lao phổi phải điều trị tại Bệnh viện Lao, sau khi ra viện điều trị ngoại trú được một thời gian thấy bệnh đã đỡ nên không điều trị nữa mà đi làm ăn xa. Bây giờ bệnh lao lại tái phát nên phải nhập viện điều trị lại, lần này tôi thấy sức khỏe yếu hơn nhiều”. Bệnh lao lây qua đường hô hấp, qua không khí, nếu một bệnh nhân lao phổi AFB dương tính không được điều trị sẽ vô tình lây sang nhiều người khác, chính vì đặc tính này mà mọi người thường kỳ thị và xa lánh những người bị lao, do đó bệnh nhân lao thường giấu bệnh. Ngoài ra, một bệnh nhân lao điều trị phải mất 6 đến 8 tháng nên nhiều bệnh nhân đã không theo hết liệu trình điều trị, dừng lại giữa chừng gây nên dẫn đến lao kháng thuốc, khó điều trị, thậm chí có trường hợp tử vong.
Chụp X.Quang cho bệnh nhân Lao tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà Bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn bất cập. Tại bệnh viện có 01 bác sĩ chống lao nhưng chỉ là kiêm nhiệm, 1 y sỹ và 1 điều dưỡng; cơ sở vật chất chưa có nên bệnh nhân lao phải nằm điều trị tại Khoa cấp cứu, nhi. Tại Trung tâm y tế dự phòng và các Trạm y tế đều có cán bộ làm công tác phòng chống lao nhưng các chế độ chính sách dành cho đội ngũ phòng chống lao chưa được quan tâm thỏa đáng khiến đội ngũ này không mấy mặn mà với công việc.Lao là bệnh của đói nghèo. Một người mắc bệnh lao có thể phải mất một năm lao động, vì thế để công tác phòng chống lao tại Lộc Hà đạt hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương, có chế độ chính sách thảo đáng cho những người làm công tác phòng chống lao, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống lao, tránh sự kỳ thị./.
Bài, ảnh: Thanh Loan

Sở Y Tế

  Từ khóa: cộng đồng , khó khăn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP