Lộc Hà

Lộc Hà: Hơn 10 héc ta rừng phòng hộ chết không rõ nguyên nhân

Chỉ trong 1 năm, hơn 10 héc ta rừng phòng hộ thuộc địa bàn 2 xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) và Hộ Độ (huyện Lộc Hà) đã bị chết. Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trong khi diện tích rừng chết ngày một tăng.

Rừng phòng hộ Hộ Độ với tổng diện tích gần 200 ha, có vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, chắn sóng biển, ngăn chặn biển xâm thực và bảo vệ hơn 200 hộ dân của hai xã Thạch Hạ và Hộ Độ. Đồng thời mỗi năm, rừng mang lại một nguồn lợi thủy sản phong phú với nhiều loại như cua, sò, hàu và các loại cá, cũng là nơi mưu sinh của hơn 500 hộ gia đình nơi đây.


Nhưng hơn 1 năm nay, nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị chết hàng loạt. Ngay từ chân cầu Hộ Độ, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những vạt rừng chết trắng xóa, trơ trụi chỉ còn thân. Theo thống kê, hiện nay ở Hộ Độ đã có gần 6 héc ta rừng đã bị chết, còn ở Thạch Hạ có gần 5 héc ta rừng cũng bị chết; chủ yếu là cây đước và một ít diện tích cây vẹt. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, trong đó thấy rõ nhất là lượng thủy hải sản giảm sút nghiêm trọng nhất là các loài hàu.

Một diện tích lớn rừng phòng hộ chết trắng mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính đáng

Ông Nguyễn Văn Hóa, P.Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho rằng: Việc cây rừng bị chết là do thay đổi môi trường sinh thái, cụ thể là việc ngọt hóa nguồn nước khiến cho cây đước và một số ít diện tích cây vẹt không kịp thích nghi nên đã bị chết

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Hóa, P.Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ thì cho rằng: “Việc cây rừng bị chết là do thay đổi môi trường sinh thái, cụ thể là việc ngọt hóa nguồn nước khiến cho cây đước và một số ít diện tích cây vẹt không kịp thích nghi nên đã bị chết. Sau khi tiến hành kiểm tra chúng tôi thấy một số gốc đước có dấu hiệu bị con hà tấn công ở gốc. Tuy nhiên diện tích cây bị con hà tấn công không nhiều, chỉ lẻ tẻ một số nơi. Còn nguyên nhân chính làm cây đước chết cục bộ thì đến nay thực tình vẫn chưa tìm ra. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc này lên các cấp, các ngành và cách đây mấy tháng cũng đã có đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về thị sát để tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng cho đến nay xã vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào”.

Qua sự việc trên, chúng tôi thiết nghĩ, nếu các ngành chức năng ở địa phương Hà Tĩnh không kịp thời tìm ra nguyên nhân diện tích rừng phòng hộ ở đây bị chết để xử lý triệt để thì chắc chắn không bao lâu nữa diện tích rừng còn lại sẽ có nguy cơ bị xóa sổ.


Xuân Sinh

Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP