Nhưng sự thật thì 2 vụ tôm đã thất bát, hơn 17ha đất đã bị công ty bỏ hoang, gần 8 năm trời, trong khi người dân lại thiếu đất canh tác.
Dự án đổ bể
Ngày 7-2-2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định 153/QĐ-UB cấp giấy chứng nhận đất số R 031313 cho Cty Phú Mỹ 17,0186 ha đất ở đầm Hà Voọc để thực hiện dự án “Nuôi tôm sú công nghiệp cao” với thời hạn 20 năm. Từ đó, Cty Phú Mỹ đã đầu tư xây dựng 16 hồ nuôi tôm, 1 hồ xử lý; hệ thống cống cấp, thải gồm 32 cống nội vùng, 2 cống cấp thoát nước toàn vùng, 1 cống thoát chính ra sông Tả Nghèn; 1 trạm điện (nhưng chưa hoàn chỉnh); hệ thống hàng rào cột bê tông, giây thép gai…Tháng 4-2003, Cty Phú Mỹ bắt đầu thả vụ tôm đầu tiên, 4 tháng sau, khi thời điểm thu hoạch đến thì bị một số người dân trong và ngoài xã Hộ Độ đến “mót” và thậm chí là cướp tôm, đồng thời phá hoại một số tài sản của Cty, khiến cho vụ tôm đầu tiên của Cty Phú Mỹ thất bại thảm hại. Đến vụ tôm thứ 2 (năm 2004), Cty vẫn không thoát khỏi tình trạng bị cướp phá như lần trước, thậm chí còn lỗ nặng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là do phía chính quyền địa phương yêu cầu Cty phải đền bù thêm một số diện tích ao muối và do một số hộ dân gây cản trở, lấn chiếm, tranh chấp đất với Cty, từ đó gây mâu thuẫn. Mặt khác, Cty không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm những tồn tại. Song nguyên nhân chính là do Cty không có năng lực sản xuất, yếu kém trong công tác quản lý.
Sau 2 năm thất bại liên tiếp, tiềm lực tài chính bị thiếu hụt, Cty đã ngừng sản xuất quy mô lớn và buộc phải hợp tác cho thuê sản xuất theo hình thức quảng canh. Song, diện tích cho thuê đó chỉ có một phần nhỏ, còn lại bị bỏ hoang không người quản lý. Dự án của Cty Phú Mỹ coi như đổ bể nhưng đất vẫn bị chiếm giữ đến tận bây giờ, hơn 17ha đất bị phí phạm nhiều năm liền trước sự tiếc nuối của nhiều người dân ở xã Hộ Độ.
Dân “khát” đất canh tác
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết tại thực địa, cơ sở hạ tầng ở đầm Hà Voọc đã được Cty Phú Mỹ đầu tư xây dựng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù có một số hộ dân của 2 thôn Tân Quý và Vĩnh Phú ở xã Hộ Độ tự ý chiếm dụng hồ để nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhưng họ không dám đầu tư, nâng cấp. Cty không có ý kiến phản hồi, xã cũng không quản lý nên tình trạng quảng canh tự phát diễn ra trên vùng đất này khá phức tạp.
Chị Đào Thị Thanh (thôn Tân Quý), một hộ dân nuôi thủy sản ở đây cho biết: “Hồ bị bỏ hoang lâu ngày quá, chúng tôi thấy tiếc của nên bỏ một ít giống tôm, cua, cá để nuôi nhằm kiếm đôi đồng phụ giúp thêm cho gia đình chứ đi làm thuê khắp nơi cũng không đủ chi tiêu. Mấy năm nay chúng tôi nuôi ở đây, Cty không có ý kiến gì nhưng cũng không dám đầu tư vì sợ một ngày nào đó Cty đòi lại thì cũng phí”. Chính vì thiếu sự quản lý nên tình trạng kéo trộm thủy sản ở các vùng hồ này cũng xảy ra thường xuyên, gây mất trật tự trong cộng đồng dân cư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Bá Khanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hộ Độ nói: Mục đích chuyển đổi từ cánh đồng muối sang NTTS vùng đồng Hà Voọc là rất đúng, phù hợp vì đất này rất phù hợp với NTTS. Nhưng Cty Phú Mỹ thuê mà không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng đất, để hoang hóa lâu ngày, gây bức xúc trong nhân dân. Nếu số diện tích đất đó được thu hồi và trả lại cho xã thì xã sẽ thực hiện phương án cho dân thuê lại để tạo công ăn việc làm cho con em chứ nhiều người phải đi làm thuê, làm mướn nơi khác khổ lắm.
Người dân xã Hộ Độ cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức bàn bạc với Cty Phú Mỹ để tìm ra phương án xử lý nhưng Cty bất hợp tác nên không có tiếng nói chung, đồng thời cũng kiến nghị lên các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh Hà Tĩnh, song đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trả lời ý kiến của cử tri xã Hộ Độ về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: Sở đã kiến nghị lên UBND tỉnh sẽ thu hồi toàn bộ diện tích 17,0186 ha đất của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ tại xứ Hà Voọc, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Tuy nhiên, băn khoăn của chính quyền và nhân dân xã Hộ Độ là sau khi thu hồi thì số diện tích đất nói trên sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Nguyện vọng của người dân ở đây là được thuê lại đất để đầu tư, nâng cấp, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật NTTS để làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương, thoát khỏi cảnh “tha phương cầu thực” như hiện nay.
Hạnh Nguyên
ĐĐK