Lộc Hà: Cải tạo đồng ruộng trái phép phục vụ nhà máy gạch
Gần hai tháng nay, tại nhiều cánh đồng ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà có hàng ngàn m3 khối đất bị đào bới trái phép đem về nhà máy gạch tuynel An Lộc dưới danh nghĩa cải tạo đồng ruộng. Điều đáng nói, các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý nhưng hoạt động này vẫn ngang nhiên tiếp diễn.
Theo phản ánh của người dân, từ đầu tháng 8 đến nay Công ty TNHH Anh Đức đã tự ý hợp tác với một số hộ dân tại thôn Đông Thịnh, xã Hông Lộc để khai thác và vận chuyển đất trái phép về nhà máy sản xuất gạch tuynel An Lộc (thuộc Công tyTNHH Anh Đức đóng trên địa bàn xã An Lộc) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Khi phóng viên có mặt tại khu vực Đồng Cồn Đồi, thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc có đến 10 chiếc xe tải nối đuôi nhau chở đất bụi bay mù mịt, các tuyến đường giao thông nội đồng nơi đi vào khu vực đang khai thác đã bị sạt lở, sụt lún vì các xe quá tải chở đất của Công ty Anh Đức gây ra.
Xe ben ra vào lấy đất gây ô nhiễm môi trường
Ông Bùi Văn Minh – Trưởng thôn Đông Thịnh cho biết: “Do các thửa ruộng ở đây là vùng đất cao, khó sản xuất nên các hộ đã làm đơn xin gửi lên xã cho Công ty gạch tuynel An Lộc cải tạo, mỗi khối đất công ty trả cho người dân 8.000đ/m3. Quy trình khai thác cũng như chi phí trả cho người dân chỉ trao đổi qua miệng chứ không có hồ sơ hay giấy tờ gì cả”.
Bản thân ông Minh và những hộ dân ở đây không hề biết việc cho Công ty Anh Đức khai thác đất là trái phép. Khi trao đổi với phóng viên ông Minh có đưa ra một Đề án cải tạo, sử dụng nguyên liệu mà Công ty Anh Đức cung cấp nhưng không có ngày ký cũng như xác nhận phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Không những vậy, các quy trình thực hiện cải tạo đồng ruộng cũng được doanh nghiệp và người dân trao đổi bằng miệng rồi tự ý triển khai.
Hoạt động khai thác đất trái phép núp bóng cải tạo đồng ruộng vẫn diễn ra ngang nhiên
Dù chưa được tỉnh cấp phép khai thác đất nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, Công ty Anh Đức đã ngang nhiên ký kết hợp đồng với một số hộ dân ở thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc với diện tích khoảng 3 héc ta trên đồng ruộng Cồn Đồi, khai thác và vận chuyển đất về Nhà máy gạch tuynel tại xã An Lộc mà không vấp phải sự cản trở nào của chính quyền địa phương. Điều đáng nói việc thực hiện khai thác đất của Công ty Anh Đức ở đây là trái phép nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý hay một văn bản báo cáo lên UBND huyện Lộc Hà.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Đình Phong – Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc xác nhận việc cải tạo của Công ty Anh Đức là trái phép, chưa được tỉnh cấp phép. “Công ty này tự làm hồ sơ hợp tác với người dân để cải tạo đồng ruộng chứ không thông qua địa phương. Tuy nhiên, thấy việc cải tạo đồng ruộng cho người dân canh tác phù hợp, với lại diện tích ít như vây mà làm thủ tục trình xin cấp phép cho người dân cải tạo lâu, mất thời gian và rườm rà nên địa phương tạo điều kiện cho họ làm”- ông Phong giải thích.
Việc tự ý hợp tác với người dân để cải tạo đồng ruộng trái phép, ông Nguyễn Xuân Quế – Giám đốc Công ty Anh Đức lý giải : “Chúng tôi hợp đồng giúp người dân cải tạo ruộng, trước kia công ty đã có tờ trình gửi tỉnh và đã được phê duyệt cấp phép”. Nhưng khi xuất trình hồ sơ giấy tờ ông Quế chỉ đưa ra một số đơn ký kết giữa công ty và những hộ dân. Mặt khác, khi kiểm tra số hồ sơ do ông Quế cung cấp có Tờ trình số 60/TT-CTAĐ ngày 22/8/2010 của công ty Anh Đức gửi UBND xã Hồng Lộc có đóng dấu của UBND xã Hồng Lộc đồng ý cải tạo 35,5ha đất trên 6 xứ đồng.
Tờ trình của công ty TNHH Anh Đức
Trao đổi qua điện thoại với ông Lê Văn Thủy- Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lộc Hà cho biết: “Việc cấp giấy cải tạo đất ruộng với số lượng lớn như vậy thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ việc cải tạo này rồi nhưng công ty Anh Đức không chấp hành…?”
Việc Công ty Anh Đức khai thác đất trái phép đang diễn ra rầm rộ từng ngày được sự bao che của chính quyền địa phương là trái quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa có quan chức năng nào xử lý gây nên bức xúc trong dư luận. Đề nghị các cơ quan chức năng sở tại sớm vào cuộc xử lý.
Theo Đức Cảnh – Hồng Thiệu (TN&MT)