Trong thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục, sửa chữa những vị trí hư hỏng, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông theo như cam kết của nhà đầu tư đến trước ngày 15-9-2023 hoàn thành.
Nhưng theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 4-1-2024: Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã nhiều lần lỡ hẹn; công tác khắc phục, sửa chữa diễn ra manh mún, nhỏ lẻ, chắp vá, thiếu đồng bộ và không dứt điểm. Với cách làm đó dẫn đến nhiều vị trí trên tuyến bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội và cử tri tỉnh nhà.
Lỡ hẹn đến bao giờ? Câu hỏi đó xin gửi đến nhà đầu tư Cienco4 và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh. Tại Công văn số 527/SGTVT-QLHT ngày 5-3-2024, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định: “Việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng mặt đường, hệ thống báo hiệu an toàn giao thông trên tuyến vẫn chưa đáp ứng triệt để, toàn diện” và yêu cầu “hoàn thành các công việc sửa chữa và dự án trung tu lần hai trước ngày 30-4-2024; riêng đối với việc tích hợp và phát quang các biển báo bị che khuất, hoàn thành trước ngày 20-3-2024”.
Mặt đường tuyến Quốc lộ 1 đoạn BOT qua Hà Tĩnh. Ảnh: Vietnam+ |
Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT “Quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ” nêu rõ: “Tạm dừng thu khi doanh nghiệp dự án PPP, đơn vị quản lý thu vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở hai lần kèm theo thời hạn khắc phục”. Như vậy, việc các cơ quan có thẩm quyền đề xuất việc tạm dừng thu phí tuyến đường này là có cơ sở pháp lý.
Doanh nghiệp BOT lỡ hẹn nhiều lần, trong khi giao dịch nộp phí-thu phí giữa chủ phương tiện và doanh nghiệp BOT là một giao dịch dân sự, là hợp đồng kinh tế dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi một bên không thực hiện đúng cam kết, việc tạm dừng thu phí không chỉ là biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia giao thông mà còn là cách thức để bảo đảm tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm của doanh nghiệp BOT đối với cộng đồng.
Để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng, đồng thời cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía người dân và các tổ chức xã hội để bảo đảm rằng những cam kết được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Các biện pháp cần được thực hiện không chỉ ở mức độ nhắc nhở mà còn cần những hình thức đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng vi phạm tái diễn.
Việc quyết định tạm dừng thu phí luôn được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, xem xét ở nhiều khía cạnh tác động, đó không chỉ là một quyết định pháp lý mà còn thể hiện sự quan tâm đến quyền lợi và an toàn của người dân. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư chứng minh trách nhiệm và cam kết của mình đối với dự án, cũng như khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông. Mong rằng với sự nỗ lực từ tất cả các bên, những lỡ hẹn sẽ sớm được khắc phục và tuyến đường sẽ trở lại trạng thái tốt nhất, phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân.
Tác giả: TRẦN HOÀI
Nguồn tin: qdnd.vn