Người đương thời

Ký ức người anh hùng bên sông Nổ

Bản Tà Leo, Na-ga-than, Keeng Koọc, Sa-va-na-khẹt, Cao nguyên Bô-lô-veng là tên những địa danh gắn với những trận đánh đuổi giặc xâm lăng giúp nước bạn Lào,  in đậm trong ký ức  người anh hùng LLVT Phan Châu Mỹ (hiện đang sinh sống tại xóm 6, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Những ngày này cả nước đang tưng bừng hướng về kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã ngược về huyện miền núi Hương Khê. Trong ngôi nhà cấp 4, nép mình bên đường mòn Hồ Chí Minh cách trung tâm TP. Hà Tĩnh chừng 30 km, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện từ người anh hùng LLVT Phan Châu Mỹ một thời đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bào vệ hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc.

Chiến công ở nước bạn Lào

Bên ấm nước chè xanh, anh hùng LLVT Phan Châu Mỹ dáng người nhỏ bé tiếp chúng tôi với những câu chuyện từ thời chiến. Phan Châu Mỹ, sinh năm 1940, ở xóm Phúc Long xã Hương Đồng (nay gọi là xóm 6, xã Phúc Đồng) một thời từng làm cho quân thù khiếp sợ mỗi khi nghe tên ông.

Chỉ tay vào tấm bằng treo bên tường ông Mỹ nói với chúng tôi rằng cả công danh và cuộc đời sự nghiệp binh đao của ông đã được nhà nước ghi nhận bằng dòng chữ Anh hùng LLVT nhân dân, được ghi trong tấm bằng. Ngày ấy, cùng cả nước, thanh niên trai tráng vùng làng sông rào Nổ hừng hực xung phong lên đường ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1964, Phan Châu Mỹ đã viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội để rồi từ đó cuộc đời binh nghiệp của ông trải dài theo năm tháng.

hatinh
Tất cả công danh và cuộc đời sự nghiệp binh đao của ông Mỹ đã được nhà nước ghi nhận bằng dòng chữ Anh hùng LLVTND được ghi trong tấm bằng

Đối với ông, những kỷ niệm, năm tháng cam go nơi chiến trường là những tình huống xông pha, đối diện với quân thù và những ngày vùi mình trong lòng căn cứ của địch. Ông chia sẻ:  “Mỗi khi nói về chiến tranh, tâm trạng tôi cứ trào dâng bao nỗi niềm xúc cảm rất khó tả!”.

Khoảng tháng 12 năm 1968 trong trận đánh vào căn cứ Ma-po-vát (Lào), do địa hình lầy lội, không có nơi đặt súng, ông đã lấy thân mình làm giá súng đại liên cho đồng đội diệt 2 hỏa lực điểm của địch, yểm trợ đắc lực cho đơn vị xông lên diệt gọn một đại đội địch.

Tại trận Bà-Trong, tháng 3/1970, địch huy động hai tiểu đoàn đánh vào hậu cứ của đơn vị, Phan Châu Mỹ lúc đó là Chính trị viên đại đội, tổ chức tiến công mãnh liệt vào đội hình địch, diệt 116 tên, phá hủy một khẩu DKZ. Trận đánh giành thắng lợi đã góp phần phá vỡ cuộc hành quân càn quét của địch vào vùng giải phóng của bạn. Đến tháng 12/ 1970, Phan Châu Mỹ đã chỉ huy đại đội tham gia chiến dịch Bô-lô-ven, mặc dù quân số ít, lương thực, đạn dược thiếu thốn, ông đã động viên đơn vị đánh nhiều trận xuất sắc, tổ chức tập kích diệt gọn một đại đội địch trong trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch, tạo điều kiện cho toàn đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

ky uc nguoi anh hung ben song no
Mỗi khi nói về chiến tranh, tâm trạng ông Mỹ cứ trào dâng bao nổi niềm xúc cảm rất khó tả!

Tháng 11/1971, trong tình thế hai tiểu đoàn địch phản kích vào Lao Ngam, hòng chiếm lại khu vực Keng Nhao, với cương vị là chính trị viên tiểu đoàn, ông đã trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn tiến công quyết liệt, diệt gần 100 tên địch, giữ vững được khu vực Keng Nhao.

Đầu năm 1974 ông cùng đơn vị về nước tham gia chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Play ku, Gia Lai. Năm 1975, Tây Nguyên được giải phóng đơn vị của ông tiếp tục trở lại Sa- va- na- khẹt, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào đánh đuổi thổ phỉ, giải phóng đất nước. Năm 1979 sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang tại Lào, đơn vị ông được rút quân về Quảng Trị và tiếp tục công tác trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với cương vị Trung tá, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 10.

Giai đoạn 1964-1975, trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường Tây Nguyên và mặt trận chiến trường Lào, nhiều lần bị thương nặng, nhưng ngay sau khi ra viện người con sông Nổ anh hùng vẫn xung phong ra trận cùng đồng đội lập được nhiều chiến công hiển hách. Trong một cuộc chiến đấu các liệt trên cao nguyên Bô-lô-ven, ông Mỹ không may bị thương ở đầu nhưng may mắn thoát được lưỡi hái của tử thần.

ky uc nguoi anh hung ben song no
Hàng năm hội đồng đội năm 1964 cứ có dịp về tại nhà ông Mỹ  để hội ngộ gặp mặt.

Bác Phạm Tiu ở xóm 8 từng là đồng đội củaoong chia sẻ, “Do có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bác Phan Châu Mỹ liên tục được phong vượt cấp hàm và đảm trách nhiều cương vị đại đội trưởng, chính trị viên tiểu đòan, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn ủy, từng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba, nhiều lần được tôn vinh danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng”.

“Trong chiến đấu, ông Mỹ còn có nhiều câu chuyên rất ly kỳ, hấp dẫn, mỗi lần gặp gỡ chúng tôi hay kể lại cho nhau nghe, đó là lần ông Mỹ được giao nhiệm vụ đột nhập trinh sát căn cứ địch ở bản Tà Leo vẽ sơ đồ bố phòng của địch phục vụ cho trận đánh lớn. Sau khi vào căn cứ địch, quan sát vẽ xong sơ đồ trận địa, trên đường ra không may bị lộ, ông phải trốn trong hầm tiêu của địch (hố xí) suốt một ngày, chờ đến khi trời tối mới chui ra để tìm  đường về căn cứ” – ông Tiu kể lại.

Trưởng thành từ một chiến sỹ, cán bộ tiểu đoàn, rồi trung đoàn, Anh hùng LLVT Phan Châu Mỹ đã tham gia 72 trận chiến đấu, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt hơn 1000 tên địch phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Riêng ông diệt 36 tên địch, phá hủy một khẩu DKZ.

Sau gần 25 gắn bó với nghiệp binh đao trong quân ngũ, đến năm 1987 Trung tá Phan Châu Mỹ được nghỉ hưu trở về với đời thường, với hạnh phúc, tổ ấm gia đình. Con cái ông đã khôn lớn, thành gia thất, nhưng tấm gương anh bộ đội cụ Hồ vẫn luôn sáng ngời trong trái tim người chiến sĩ anh hùng cách mạng.

Tình yêu thành vợ chồng trong vòng 7 ngày

Đến với gia đình ông vào một buổi chiều mưa đầu hạ, bà Duyên (vợ ông Mỹ) đỡ ông ra đón tiếp và chào hỏi chúng tôi rất thân thiện. Trực tiếp trò chuyện với vợ chồng ông Mỹ chúng tôi mới biết đây là một tình yêu đẹp trong thời chiến.

Đưa ánh mắt nhìn chồng, bà Duyên nhẹ nhàng cho chúng tôi biết, bà sinh năm 1952, hiện là giáo viên về hưu. Học xong cấp 2 bà đi dân công 1 năm về nhà sản xuất nông nghiệp đến 1972 thì tình cờ gặp ông Mỹ tại UB Hương Đồng.

ky uc nguoi anh hung ben song no
Sau hai 25 gắn bó với chiến trường binh đao, hiện hai vợ chồng ông Phan Châu Mỹ về sống yên bình tại quê nhà

Bà hồi tưởng lúc đó bà đi tập dân quân, gánh nước nấu ăn thì thấy chú bộ đội nên bà trêu chọc “anh ơi có làm người yêu em không” và sau đó 2-3 ngày ông Mỹ đều vô nhà chơi và tình yêu của ông bà nhanh chóng nảy chồi, gia đình bà biết ông là bộ đội ai nấy đều thích, cứ thế gia đình, anh em, họ hàng vun vén thêm.

Tình yêu hai vợ chồng bà vọn vẹn trong 7 ngày là cưới. Hồi đó yêu đương cưới vợ, hỏi chồng đang theo nếp sống mới nên chỉ nước, thuốc, kẹo bánh, trầu cau là xong. Sau khi cưới xong ông Mỹ lên đường đi nghĩa vụ, một mình bà ở nhà chờ đợi. 6 tháng sau ông được về 5 ngày. Giây phút hạnh phúc bên nhau ấy chỉ chốc lát rồi lại trôi qua, sau đó ông Mỹ lên đường qua Lào đánh giặc mãi tới năm 1977 mới về lại.

Vì xa nhau biền biệt nên mãi đến năm 1982 ông bà mới sinh được con gái đầu lòng là Phan Thị Duyên. Rồi ông lại biền biệt, mãi năm 1986 ông bà mới lại có thêm mụn con trai đặt tên Phan Châu Nhật.

Chỉ sau khi ông Mỹ về hưu hai vợ chồng ông mới được kề cận sớm tối, về quê sinh sống làm ăn cho tới nay, trong niềm vui các con của ông bà đều đã trưởng thành.

Nguyễn Đạt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP