Thông tin cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Thị Hà Giang
Sinh năm: 1/1/1997
Tốt nghiệp lớp chuyên Anh khóa 18, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh
Thành tích cá nhân:
– Học bổng 64.000 USD/ năm trường Pitzer college, Mỹ và 5 trường ĐH Mỹ khác.
– Giải Nhì môn tiếng Anh kì thi HSG Tỉnh Hà Tĩnh 3 năm liền (lớp 10, 11, 12)
– Đỗ Đại học Ngoại thương Hà Nội với số điểm 26/30.
– Giải Nhì HSG Thành phố Hà Tĩnh môn Tiếng Anh năm 2012
– Giải HSG Thành phố Hà Tĩnh môn Văn năm 2012
Hoạt động nổi bật:
– Đồng sáng lập và nguyên chủ tịch Chạm – Đội tình nguyện THPT Chuyên Hà Tĩnh
– Trưởng BTC chương trình từ thiện Nối tại các bệnh viện dành cho người già ở TP Hà Tĩnh
– Phó BTC chương trình Nụ cười trẻ thơ tại làng trẻ mồ côi SOS Hà Tĩnh
– Đại biểu trẻ tuổi nhất Hội nghị giáo dục ASEAN tại Bangkok 2015
– Chiến thắng 5.000 USD từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bangkok cho đề án nâng cao giáo dục ASEAN
– Trợ lý dự án “Reading Station”, Dự án góp phần nâng cao thói quen, văn hóa đọc và suy nghĩ phản biện cho HS/ SV Việt Nam.
– Thành viên ban tuyển sinh của dự án Im Venture, hành trình khám phá và trải nghiệm xuyên Việt.
“Gap year” dùi mài kinh sử
Mùa tuyển sinh du học năm nay, niềm vui lớn đến với cô gái 9X Hà Tĩnh khi có 6 trường ĐH Mỹ gửi thư cấp học bổng. Trong đó, Pitzer college là trường đại học giáo dục khai phóng nổi tiếng với tỉ lệ chấp nhận chỉ 13%, một năm chỉ nhận vài sinh viên quốc tế đã cấp học bổng trị giá tới 64.000 USD/ năm (gần 6 tỷ đồng trong 4 năm học) cho Hà Giang.
Ngoài ra, 5 ngôi trường khác gồm Columbia college in south Carolina, University of Cincinatti, Sienna College, Troy University, Drexel University cũng là những cơ hội tốt nhưng cô gái Việt đành phải từ chối vì Pitzer là lựa chọn số 1.
Đằng sau thành quả đáng ghi nhận này là sự nỗ lực, tự lực không ngừng của Giang. Sinh ra ở một làng chài nhỏ nhưng từ lâu, cô bé miền Trung đã luôn mơ ước được vươn xa. Cũng chính sức mạnh của ước mơ đã cho Giang động lực để vượt lên những thất bại và đưa ra những quyết định khá mạo hiểm sau khi trượt học bổng UWC năm lớp 11.
Nguyễn Thị Hà Giang (phải) giành 6 học bổng ĐH Mỹ mùa tuyển sinh năm nay. Và một suất học bổng trong số đó trị giá tới gần 6 tỷ đồng.
Trải qua một thời gian khó khăn để định hướng lại con đường phía trước, Giang lấy lại cân bằng tâm lý và giữ bản thân luôn bận rộn, đầy năng lượng với tinh thần tích cực. Cô nhanh chóng trở lại với hành trình chinh phục học bổng và lần này, điểm đến của giấc mơ là Hoa Kỳ.
Không kịp nộp hồ sơ để lên đường cùng các bạn cùng tuổi, Giang đứng trước hai lựa chọn khó khăn. Một là, sẽ vừa nhập học trường Đại học Ngoại Thương vừa chuẩn bị cho kì thi SAT (kì thi chuẩn hóa của đại học Mỹ), hai là từ chối cơ hội đó và chỉ tập trung toàn tâm toàn ý vào mục tiêu du học. Sau khi cân nhắc, cô đã chọn “gap year”.
Tiễn bạn bè lên đường ra thủ đô học tập, Hà Giang tiếp tục ở nhà “dùi mài kinh sử”, tự học SAT và nộp hồ sơ vào các trường. Sau gần nửa năm, lựa chọn số 1 cho vòng nộp đơn sớm – Đại học Pitzer (xếp hạng thứ 36 hệ thống đại học giáo dục khai phóng cấp quốc gia của Mỹ ) ở bang California đã chấp nhận hồ sơ và cấp học bổng lớn cho cô nàng.
Giang tin rằng, ngôi trường Pitzer đã thấy được khả năng giữ cân bằng giữa hoạt động ngoại khóa và việc học tập khi cô liên tục cập nhật đồng thời cả những trải nghiệm hoạt động quốc tế mới nhất cũng như kết qủa tăng dần của các kì thi học thuật.
Giang trong một chuyến đi từ thiện trước tết với người già khó khăn ở Hà Tĩnh
Giấc mơ dẫn lối…
“Nhiều người luôn hỏi mình tại sao một cô bé sinh ra ở một làng chài nhỏ lại ấp ủ giấc mơ lớn đến thế ? Lý do đúng nhất có lẽ vì mình luôn nhìn cuộc sống này qua con mắt của trẻ thơ. Những đứa trẻ luôn dám ước mơ, trong mắt chúng, không có giấc mơ thực tế hay giấc mơ viển vông.
Bất kì giấc mơ nào cũng có thể thành hiện thực nếu chúng ta tin tưởng, kiên trì, liên tục nỗ lực và tiến lên không ngừng”, Giang tâm sự.
Với Giang, nếu một chuyên gia nhìn vào bài luận của cô gái miền Trung, người ta chắc sẽ bảo nó chưa đủ tốt và ấn tượng để chinh phục nhà tuyển sinh.
Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy câu chuyện về một cô bé cùng gia đình, để lại sau lưng 6 năm đầu đời với những người dân chài lưới giản dị, chuyển ra sống ở một thành phố nhỏ nhưng thật khác biệt đã chạm tới trái tim của các nhà tuyển sinh.
Cô gái Việt và các bạn ASEAN ở đêm tiệc với thị trưởng thành phố Bangkok và đại sứ Hoa Kỳ tại Bangkok
“Trong bài luận, mình đã trình bày góc nhìn đối với những môi trường xung quanh, dù thành phố hay làng quê, đều tồn tại những vấn đề chung. Ở đâu cũng có những người có đặc quyền và những người dễ tổn thương hơn trong xã hội, ở đâu cũng cần những người kết nối.
Những người kết nối vừa có thể tự tin sánh bước với những tinh hoa xã hội và vừa có tấm lòng để cúi mình xuống, cầm tay và trân trọng những người cần giúp đỡ.
Điều quan trọng nhất trong bài luận đó là thông điệp từ trái tim và trải nghiệm của chính ứng viên”, Giang bật mí về bài luận “làng chài” của mình.
Giang cho hay, về lâu dài, em sẽ cố gắng hết sức để tạo ra giá trị và giúp đỡ nhiều người hơn trong xã hội. Bởi lẽ, “bên cạnh thành tích, trường đã tin tưởng và đầu tư cho em khoản học bổng khổng lồ này vì tin em sẽ biết cách trả lại giá trị cho xã hội”.
“Bất kì giấc mơ nào cũng có thể thành hiện thực nếu chúng ta tin tưởng, kiên trì, liên tục nỗ lực và tiến lên không ngừng”, Giang tâm sự.
Lệ Thu
Ảnh NVCC