Đã qua đợt nắng quay quắt và gió lào thổi táp mặt, trong sắc biếc mùa thu, hào khí đất trời đang nhập vào dòng chảy lịch sử Bến Thủy. Ngày ấy, những lá truyền đơn với thể lục bát đã trở thành tiếng nói đồng hành của những người cần lao, đau khổ bị áp bức trong đêm dài nô lệ. Họ dám đương đầu với “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng” của ách thống trị thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Núi Quyết giờ đây ngút ngàn thông xanh. Tiếng thông reo mang âm hưởng tiếng hô vang trời của dòng người biểu tình đòi “tăng lương, giảm giờ làm, người cày có ruộng”. Thời gian như chuyến tàu tốc hành lao vun vút, nhưng nét vàng son lịch sử cách mạng bao giờ cũng rờ rỡ và tươi mới.
Ngược dòng ký ức hiện lên hình ảnh cây cột điện trước nhà máy diêm. Ngày ấy, anh tự vệ làng Lộc Đa (TP Vinh) Trần Cảnh Bình đã dũng cảm trèo lên phất cao lá cờ đỏ búa liềm, kêu gọi hàng trăm công nhân đứng lên tranh đấu. Lá cờ đỏ thắm đã trở thành niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh liên minh công – nông, thổi bùng ý chí dũng mãnh, tinh thần đoàn kết phá tan ách kìm kẹp của thực dân. Hoảng sợ trước ngọn lửa yêu nước bùng phát, lính dương lê Pháp từ tầng 2 đã xả súng vào cột đèn… Người chiến sĩ cộng sản Trần Cảnh Bình cùng lá cờ đỏ quyện lẫn trong máu. Nhưng chẳng ai nao núng tinh thần. Người trước ngã, người sau tiến lên, một lá cờ bị gãy lại tung lên hàng trăm cờ búa liềm rực sắc đỏ.
Đúng 1/5/1930 – ngày Quốc tế Lao động, khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam sục sôi tinh thần tranh đấu. Đồng chí Lê Mao – Bí thư Tỉnh ủy Vinh, trực tiếp chỉ đạo Vinh – Bến Thủy… được T.Ư Đảng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình công – nông nội, ngoại thành. Từ những cuộc họp bí mật của các chi bộ vừa thành lập, các đảng viên đã phát động nhân dân tham gia đấu tranh.
Mờ sáng ngày 1/5/1930, hơn 1.200 nông dân từ các làng An Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu (Nghi Lộc); Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng (Hưng Nguyên) phối hợp với hàng trăm công nhân nhà máy tiến hành đấu tranh trực diện với thực dân Pháp. Dòng người biểu tình giương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm các loại sưu thuế và hát vang bài “Quốc tế ca”. Bất chấp bọn mật thám và lính khố xanh chặn đường, đoàn biểu tình vẫn hiên ngang tiến thẳng tới hàng rào Nhà máy Diêm Bến Thủy. Cùng lúc ấy, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy tràn ra cổng, khí thế đấu tranh dâng lên ngùn ngụt. Thực dân Pháp nổ súng vào đám đông, khiến 6 người chết, 18 người bị thương, nhiều người khác bị bắt bớ, giam cầm.
Cuộc biểu tình tại ngã ba Bến Thủy trở thành “mốc son” đầu tiên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
“Tọa độ lửa” những ngày đánh Mỹ
Những người chép lại pho lịch sử của quê hương viết về Bến Thủy: “Trong thời điểm chiến tranh ác liệt và cam go, gian khổ nhất, phà Bến Thủy (từ bờ Bắc TP Vinh, đến bờ Nam, Gia Lách – Nghi Xuân) đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn. 26 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hàng trăm người bị thương để đảm bảo cho mọi phương tiện qua lại trên bến phà được thông suốt. Tập thể cán bộ, chiến sĩ phà Bến Thủy đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 2 cá nhân Nguyễn Trọng Tường và Nguyễn Hữu Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
Ông Nguyễn Trọng Lý (phường Trường Thi, TP Vinh) bồi hồi kể lại: “Một ngày cuối năm 1967, hai tốp máy bay Mỹ ném tới tấp bom từ trường có sức công phá lớn xuống phà Bến Thủy. Tôi xung phong cùng 2 đồng chí dùng ca nô đi phá bom. Trước khi đi, đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho 3 anh em. Chúng tôi dùng ca nô 130 mã lực, mở hết tốc độ lướt qua bom kích nổ và chỉ sau một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã gỡ hết bom từ trường để con phà tiếp tục thông tuyến”.
Hoàng Nghĩa Cự (quê ở Hưng Nguyên) lái ca nô phá bom cảm tử. Đã nhiều lần bị thương, đơn vị khuyên trở lại tuyến sau, nhưng anh Cự nhất quyết không chịu. Một đêm trung tuần tháng 9/1968, trời tối mịt, anh Cự cùng 4 người dùng xuồng cao su đến Cồn Nổi giữa dòng sông Lam nước xiết bắt sống tên phi công Mỹ.
Tôi tìm lại nữ anh hùng Hoàng Thị Liên – năm nay đã bước vào tuổi 82. Bà Liên kể: Năm 1965, bà được cấp trên giao nhiệm vụ làm Cửa hàng trưởng Cửa hàng Ăn uống Bến Thủy. Bà lên kế hoạch cụ thể cho từng nhân viên, từ nấu cơm đến chế biến thực phẩm, bộ phận mang cơm, canh… ra trận địa pháo phòng không, binh trạm vận tải, phà, cảng Bến Thủy… Một mình bà đạp xe khắp vùng tìm thực phẩm. Khu làm việc của cửa hàng hồi ấy là một căn hầm “nửa chìm, nửa nổi” ở phía bờ Bắc Bến Thủy. Tổ phục vụ ăn uống chỉ có 6 người, vậy mà, mỗi ngày phải chuẩn bị 2.500-3.000 suất ăn cho những người làm nhiệm vụ canh gác, chiến đấu tại đây. Đấy là chưa kể việc lo gói bánh, đùm cơm cho bộ đội chuẩn bị vượt sông.
Cầu Bến Thủy. Ảnh: Quang Vinh |
Nắng thu xanh sáng đôi bờ
Chiếc cầu phao và những con đò chở khách qua Bến Thủy những ngày lũ trắng dòng Lam bây giờ chỉ còn trong ký ức. Hai chiếc cầu vĩnh cửu bằng bê tông, cốt thép bắc qua bến nước mênh mông không chỉ nối tình cảm giữa nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh, mà còn nối cả 2 miền Nam – Bắc.
Thay thế vị trí những người bám trụ bến phà ngày trước, bây giờ là những nhân viên trong bộ trang phục xanh làm việc ở Trạm Thu phí cầu Bến Thủy. Mảnh đất Cồn Mô, nơi dựng tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh cũng là nơi Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan được dựng lên trong luồng gió mới thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của T.Ư Đảng. Bến Thủy sầm uất hơn với những ngôi nhà cao tầng hiện đại, hàng hóa phong phú. Chợ Bến Thủy đủ các mặt hàng từ rau, quả, thịt, cá đến đồ chơi con trẻ… nườm nượp kẻ bán, người mua. Khu Gia Lách – bờ Nam Bến Thủy, ngày xưa là khu đất hình tam giác hoang tàn, vậy mà, giờ đây đẹp như thành phố bên bờ sông Lam.
Cuối chiều thu, tôi cùng anh bạn thân sà vào một quán cháo vịt ở Gia Lách và nghe tiếng một tài xế giọng miền Nam xởi lởi: “Cháo vịt của chị Hai nấu ngon thiệt! Mà chị kiếm được ở đâu loại dưa đỏ thơm và ngọt thế?”. Chị chủ quán đáp: “Dân Xuân Hồng trồng loại dưa này, tui vào tận vườn mua, kể cả vịt, đều là thức ăn sạch…”.
Hoàng hôn buông xuống dòng Lam. Cánh tài xế tiếp tục cho xe vượt cầu Bến Thủy, gửi lại trong ánh mắt mọi người một nụ cười mãn nguyện.
Tháng 9/2014
Phan Thế Cải
(Báo Hà Tĩnh)