Giáo dục

Không để địa phương chọn sách giáo khoa để 'đẹp lòng' Bộ GD&ĐT

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho hay bộ này sẽ phối hợp Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá sách giáo khoa.

Trả lời báo chí xung quanh câu chuyện sách giáo khoa gây lãng phí tiền tỷ mỗi năm, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - nói sẽ có phương án để bảo đảm sách giáo khoa có chất lượng tốt được đông đảo học sinh lựa chọn.

Sẽ có phương án cụ thể về giá sách giáo khoa

- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", Bộ GD&ĐT vẫn duy trì việc biên soạn sách. Điều này dễ dẫn đến tình trạng địa phương chọn sách của bộ để an toàn hay "đẹp lòng" chứ không chọn của đơn vị bên ngoài? Như vậy, về bản chất, câu chuyện độc quyền không được giải quyết triệt để?

- Nghị quyết 88/2014/QH13 quy định: "Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn"; "Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội".

Thực hiện Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Việc tổ chức biên soạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT. Trường hợp cần lựa chọn nhà xuất bản chủ trì biên soạn sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - khẳng định sẽ có phương án cụ thể về giá sách giáo khoa. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Với việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học hiện nay không còn quá lệ thuộc sách giáo khoa.

Vì vậy, sẽ không xảy ra tình trạng muốn "an toàn" hay làm "đẹp lòng" Bộ GD&ĐT mà phải chọn sách giáo khoa do bộ chủ trì biên soạn.

Hơn nữa, nếu có nhiều sách giáo khoa thể hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, việc kiểm tra, đánh giá, thì phải bảo đảm không yêu cầu ghi nhớ, tái hiện thông tin, kiến thức mà tập trung đánh giá năng lực học sinh (để phù hợp các sách giáo khoa khác nhau).

Khi đó, việc dạy học không thể chỉ truyền thụ kiến thức theo một sách giáo khoa cụ thể nào đó mà phải tập trung thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực. Sách giáo khoa nào có chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho việc dạy và học tích cực để phát triển năng lực sẽ có lợi thế, được đông đảo học sinh, giáo viên lựa chọn.

Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các sách giáo khoa khác, bộ sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá sách giáo khoa.

- Trong "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" sắp tới, việc lựa chọn sách sẽ được tiến hành như thế nào để không bị các lợi ích nhóm can thiệp?

- Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông với hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh.

Quy định sẽ cụ thể trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.

Việc này sẽ bảo đảm các sách giáo khoa có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn.

16 năm độc quyền sách giáo khoa, hàng chục nghìn tỷ đồng bị lãng phí

Bộ sách giáo khoa hiện hành được triển khai từ năm 2002, do NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT nắm độc quyền. 16 năm qua, sách giáo khoa gây lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đều được biên soạn sách giáo khoa

- Bộ GD&ĐT làm thế nào để đảm bảo những cuốn sách giáo khoa tồn tại trên thị trường đảm bảo chất lượng, nhất là khi nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết sách?

- Thực hiện vai trò quản lý Nhà nước về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Căn cứ thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "đạt" sẽ được Bộ trưởng GD&ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm công bằng, minh bạch, tất cả vì quyền lợi của học sinh.

Trước đây, chúng ta thực hiện một bộ sách giáo khoa duy nhất nên việc lựa chọn sách giáo khoa chưa bao giờ được đặt ra. Nay, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học", học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các nhà trường lần đầu tiên đứng trước việc phải lựa chọn sách giáo khoa có thể bỡ ngỡ nhất định.

Để tránh xảy ra những ứng xử không phù hợp do thiếu thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường truyền thông để xã hội hiểu rõ quy định về việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa để học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và nhà trường chủ động thực hiện.

- Hiện tại, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa ra sao?

- Hiện nay, dự thảo các Chương trình môn học đã được các Hội đồng quốc gia thẩm định và thông qua. Bộ GD&ĐT đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành thông tư về chương trình giáo dục phổ thông.

Sau khi ban hành thông tư, bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu biên soạn sách giáo khoa thực hiện việc biên soạn, đề nghị thẩm định sách giáo khoa theo quy định của thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Mọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 33 đều có thể tổ chức biên soạn hoặc tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Bộ GD&ĐT , sách giáo khoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP