Hà Tĩnh ngày nay

Kê khai tài sản và thu nhập ở Hà Tĩnh: Những kinh nghiệm bước đầu

Thực hiện qui định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đôn đốc thực hiện kê khai tài sản thu nhập (TSTN) của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ…, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức triển khai, tập huấn toàn tỉnh, nhiều lần có văn bản hướng dẫn, đôn đốc và phê bình nghiêm khắc các đơn vị chậm thực hiện kê khai TSTN


* Việc kê khai TSTN được coi là một tiêu chí quan trọng để xếp loại thi đua hàng năm.
. Gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã giao Thanh tra tỉnh tập trung thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị chưa hoàn thành kê khai TSTN theo qui định. Nhờ đó, đến tháng 8/2009, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác kê khai TSTN năm 2007 và 2008.
Theo số liệu của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, năm 2007, đã có 248/248 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 281/281 đầu mối là UBND cấp huyện và các đơn vị thuộc cấp huyện quản lý và 262/262 đầu mối là UBND cấp xã và các đơn vị thuộc cấp xã đã triển khai thực hiện việc kê khai TSTN. Theo đó, đã có 5.629 người thuộc diện phải kê khai hoàn thành việc kê khai. Năm 2008, có 820/820 cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai TSTN (lần đầu hoặc bổ sung) hoàn thành việc kê khai. Theo đó, đã có 6.561/6.561 người thuộc diện phải kê khai đã tiến hành kê khai; trong đó, số người kê khai lần đầu trong năm là 768 người, kê khai bổ sung là 5.793 người.
Để có được kết quả trên, ông Thái Sinh, Tỉnh Ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, Thanh tra Chính phủ có Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, Thanh tra tỉnh và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Văn bản số 582 CT/TU ngày 14/12/2007 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 275/UBND-NC ngày 18/12/2007 triển khai thực hiện kê khai TSTN.
Tiếp đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tập huấn quán triệt, triển khai thực hiện với thành phần: Đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và Hội cấp tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, các lãnh đạo huyện, thị xã, TP…
Năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức kiểm tra tại 3 huyện và 4 ngành. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh kiểm tra tại 5 huyện, 5 sở, ngành; 3 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 20 đơn vị trực thuộc. Thanh tra tỉnh phối hợp với UBKT Tỉnh ủy, Sở Nội vụ kiểm tra tại 18 đơn vị (6 đơn vị cấp huyện, 9 sở, ngành, 4 tổ chức đoàn thể và 5 ban Đảng). Năm 2009, sau nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, phê bình những đơn vị không thực hiện và báo cáo kết quả kê khai, xác minh TSTN, căn cứ Công văn số 1425/UBND-NC ngày 25/5/2009 của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã phối hợp UBKT Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tổng kiểm tra trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả kê khai, xác minh TSTN tại 36 đơn vị. Kết quả, sau một thời gian ngắn, các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất việc kê khai TSTN năm 2007 và năm 2008.
Để công tác kê khai minh bạch TSTN phát huy tốt hiệu quả, các cơ quan T.Ư cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ theo hướng: Ban hành thông tư liên tịch giữa Ban tổ chức T.Ư, UBKT T.Ư, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ để khắc phục những thiếu sót, bất cập về nội dung, phạm vi hiệu lực của Thông tư 2442 như hiện nay; có chế tài để công khai, kiểm tra, xác minh và xử lý các bản kê khai thiếu trung thực. Các cơ quan T.Ư cần hướng dẫn đối tượng thuộc diện phải kê khai rõ, gọn hơn đối với từng cấp hành chính để thống nhất chung trong toàn quốc; nghiên cứu rút gọn mẫu kê khai lần đầu đơn giản, dễ áp dụng; có qui định cụ thể về tiếp nhận, quản lý, lưu giữ, khai thác bản khai của đối tượng cấp ủy quản lý. Mặt khác, cần hướng dẫn rõ hơn về tài sản phải kê khai liên quan đến việc sử dụng đất (như quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất thuê…); bổ sung nội dung theo dõi đối với nợ phải trả của đối tượng phải kê khai…
Đối với UBND các tỉnh, cần tiếp tục phổ biến quán triệt cho quần chúng nhân dân, cán bộ công chức và đảng viên Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 3/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ công chức và đảng viên. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các đối tượng trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện kê khai TSTN vào dịp cuối năm. Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị mặc dù đã được đôn đốc nhắc nhở nhiều lần nhưng không chấp hành việc tổ chức kê khai TSTN; xem đây là một tiêu chí quan trọng để xếp loại thi đua hàng năm.
Bài và ảnh: Trần Đắc Xuyên

Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP