Toàn cảnh cây cầu
Đánh đu với tử thần
Hương Giang là một xã miền núi thuộc huyện Hương Khê, bị chia cắt hoàn toàn bởi con sông Ngàn Sâu. Bao năm tháng trôi qua, mỗi lần người dân lên huyện, lên tỉnh làm bất cứ việc gì đều phải qua sông bằng những chuyến đò chồng chềnh, chao đảo. Năm 1975 được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân trong vùng, một cây cầu nối đôi bờ sông Ngàn Sâu đã được dựng lên, vật liệu được làm bằng gỗ, nhưng chẳng được bao lâu, dưới cái nắng mưa thất thường, thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cầu gỗ đã bị mục, hư hỏng. Vì vậy năm 2001 cầu gỗ được thay thế bằng cầu treo sắt( cầu cũ ở bến phà Địa Lợi). Trải qua 15 năm sử dụng, dù được tu bổ, bảo dưỡng thường xuyên nhưng đến nay cầu đã bị xuống cấp rất nhiều, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông .
Theo quan sát của (PV) cầu treo Hương Giang đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng, các tấm bê tông lát mặt cầu nứt nẻ, xói lở ( lộ thiên ra các thanh thép và ốc vít cố định), có những vị trí các tấm bê tông lát nằm tách nhau lên tới hơn 10cm.
Hình ảnh xuống cấp của các tấm lát mặt cầu
Khi chúng tôi đang tìm hiểu về tình trạng của chiếc cầu, được một người dân qua đường cho biết; “ một ngày tôi đi qua đây ít nhất 3 đến 4 lượt, mổi lần đi tôi có cảm giác như đang đứng trên chiếc võng tre cứ lắc lư thật sự rất sợ cứ tưởng tượng như nó sắp đứt toát cả mồ hôi ra chú ạ”.
Ông Lý sống cạnh cầu còn dí dỏm đùa; “ con em chúng tôi đi trên cầu này quen rồi nên chỉ cần cải thiện chiều cao thêm tý nữa là trúng tuyển Phi công hết, nhưng khổ nỗi là kinh tế khó khăn nên toàn là hệ thấp còi, hy vọng qua đây các cấp các ngành sẽ thấu hiểu nỗi khổ của người dân chúng tôi”.
Trao đổi với (PV) Trí thức và Phát triển ông Phan Đình Hùng chủ tịch xã Hương Giang cho biết:“Cây Cầu sắt này được đưa về từ cầu Địa Lợi để thay thế cho chiếc cầu bằng gỗ trước đây. So với cầu cũ nó dài, rộng, chắc chắn hơn. Nhưng vì bản chất nó là cầu cũ, thời gian sử dụng quá lâu và nhất là vật liệu làm cầu chủ yếu là sắt thép, theo thời gian khí hậu khắc nghiệt nên bị ăn mòn, hoen rỉ nhiều, cộng thêm xe cộ (xe cơ giới) qua lại thường xuyên nên cầu bị xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Hùng cho biết thêm: Nhiều người dân làm nhà chở vật liệu nếu dùng xe nhỏ thì chi phí quá lớn, xe lớn thì không thể qua cầu. Có những lần giữa chủ phương tiện, người dân và đội trực cầu xẩy ra xô xát, UBND xã và các cơ quan chức năng phải đứng ra giải quyết. Nói chung là rất bất cập, mong sao được cấp trên quan tâm đến cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Các thanh ngang của thanh liên kết giữa dầm cầu và cáp treo
hầu như không còn tác dụng
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này (PV) Trí thức và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Huấn- Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, thì được biết: “ Cây cầu này tôi cũng rất trăn trở vì người dân các xã sống hai bên bờ sông Ngàn Sâu nhất là dân xã Hương Giang vô cùng khó khăn, vất vả. Mỗi lần tiếp xúc với dân, với cử tri địa phương này lần nào họ cũng đề cập đến nó(cây cầu) nhưng khổ nỗi Hương Khê là một huyện nghèo kinh phí không thể làm nổi cầu”. Khi (PV) hỏi biện pháp và những kiến nghị của ông với cấp trên ông Huấn nói; “ tôi đã kiến nghị với tỉnh, sở kế hoạch đầu tư, sở giao thông cả rồi, thậm chí là nhiều lần rồi nhưng cũng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Qua tìm hiểu được biết Sở GTVT Hà Tĩnh cũng đã có Tờ trình số 715/TTr-SGTVT ngày 18/3/2015, Văn bản số 2815/SGTVT-QLDA2 ngày 25/8/2015 về việc đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng một số cầu yếu và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020; ý kiến đề xuất của Sở Kế hoạch Đầu tư tại báo cáo số 901/BC-SKH ngày 01/9/2015 và đã được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng có liên quan sớm nghiên cứu xem xét kiểm tra sự xuống cấp của cây cầu này, và sớm triển khai xây dựng cầu mới, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra,“ mất bò rồi mới lo làm chuồng”.
Tổ trực cầu nơm nớp lo sợ mỗi lần có phương tiện trọng tải nặng đi qua
Người dân toát mồ hôi mỗi làn qua cầu