Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Có hay không Trạm thu phí hầm Đèo Ngang thu vượt quá thời gian 2 năm? (Bài 1)

Thời gian gần đây, dư luận cả nước đang bàn tán về vấn đề Trạm Thu phí Hầm Đèo Ngang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng được phát hiện đã vượt thời gian thu phí hơn 2 năm. Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Phúc – Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Hà Tĩnh khẳng định thì vẫn chưa có kết quả có vượt hay không?

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2016, Thanh tra Bộ GTVT công bố thông tin bất ngờ: Dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức hợp đồng BOT phải giảm thời gian thu phí 7 năm 10 tháng 4 ngày. Nếu như thế, hiện dự án được xác định thu phí vượt qua thời gian 2 năm. Tổng cục Đường bộ nêu việc dừng trạm thu phí này để thực hiện công tác quyết toán dự án và chỉ đề cập đến việc nộp tiền lại thừa trong trường hợp “nếu có”.

Trạm thu phí hầm Đèo Ngang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Trước vấn đề trên, ông Trịnh Xuân Phúc – Giám đốc Công ty cổ phần sông Đà Hà Tĩnh cho biết: Theo hợp đồng BOT thì thời gian hoạt động của trạm thu phí Đèo Ngang là từ năm 2004 đến năm 2023 thì mới kết thúc. Tuy nhiên, do lưu lượng xe qua lại tăng lên nhiều nên đã giảm thời gian thu phí xuống. Hiện tại, Bộ GTVT đang giao cho Tổng Cục đường bộ để quyết toán nên đã tạm dừng thu phí từ tháng 12/2016. Tạm tính đến năm 2015 thì vẫn chưa xác định được có vượt hay là không? Sau này nếu thu quá thì sẽ trả lại cho ngân sách nhà nước còn nếu thu chưa đủ thì chúng tôi đề nghị thu tiếp đề hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Trạm thu phí cầu Rác (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Liên quan về vấn đề, đa số người dân ở thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên kịch liệt phản đối tình trạng không sử dụng tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh nhưng vẫn phải trả phí vô lý tại Trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì ông Phúc phân trần: “Nếu nói theo công bằng tuyệt đối là đi qua dự án nào phải đóng phí dự án đó nhưng cuộc đời không bao giờ có công bằng tuyệt đối, tôi không đi nhưng người nhà tôi đi”.

“Trạm thu phí Cầu Rác thành lập từ năm 1979 với mục đích để thu phí trên QL1 do Sở giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Sau đó xã hội hóa nên đã mời doanh nghiệp tham gia về đầu tư. Tại thời điểm đó, công ty Sông Đà có quan hệ tốt nên đã vào đầu tư Hà Tĩnh. Sau đó chính phủ có văn bản quyết định giữ nguyên trạng trạm thu phí chứ nhà đầu tư không tự quyết định trạm thu phí được đặt ở vị trí nào” – ông Phúc thông tin thêm.

Thiết nghĩ, Giám đốc Công ty hạ tầng Sông Đà Hà Tĩnh trả lời như thế đã thấu tình đạt lý chưa và hợp lòng dân không?

(Còn nữa)

Hoàng Hiệp – Trọng Dân/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP