Trong nước

Hội nghị trù bị 9 tỉnh 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12 lần thứ XVIII

Trong những năm qua, Hiệp hội các tỉnh sử dụng chung đường 8 và đường 12 thuộc 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan (gọi tắt là APOTC) đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa 3 nước, vì hòa bình và phát triển bền vững trong khu vực.

“Cánh tay” liên kết vùng

Đường 8 và đường 12 được ví như những cánh tay kết nối giữa mạng lưới giao thông quốc gia (QL 1A, đường Hồ Chí Minh) với cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An), Hòn La (Quảng Bình) thông qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cha Lo đến với các nước trong khu vực. Từ cảng Vũng Áng đi theo đường 12 qua Khăm Muộn đến Nakhon Phanom và theo đường 8 qua Bôlykhămxay đến Nakhon Phanom chỉ từ 300 – 350 km. Đây là con đường ngắn nhất để Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan ra biển Đông và phát triển giao thương với các nước khác trong khối ASEAN. Với vị trí đặc biệt đó, đường 8 và đường 12 không chỉ là lợi thế riêng có của Hà Tĩnh mà còn là lợi thế chung của 9 tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hội nhập và phát triển bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo chính quyền tỉnh Nakhon Phanom và doanh nghiệp Thái Lan (tháng 3/2014).

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cho biết, thời gian qua, Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào, Thái Lan đã đạt được nhiều kết quả hợp tác trên các lĩnh vực và đã phát triển sang chiều sâu, hiệu quả hơn. Đã có các dự án đầu tư về sản xuất theo hướng liên kết vùng và liên vùng 9 tỉnh của 3 nước sử dụng đường 8 và đường 12 nối với các tỉnh của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt, sau khi cầu Hữu Nghị 3 được khánh thành, việc kết nối các tỉnh Hà Tĩnh – Khăm Muộn – Nakhon Phanom cũng như các tỉnh khác của 3 nước bằng đường bộ hết sức thuận lợi. Chính phủ 3 nước đang cùng nỗ lực để tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển.

Hội nghị bộ trưởng giao thông vận tải 3 nước vừa qua đã được tổ chức thành công tại Hà Nội đã nhất trí và thông qua việc hoàn thành các thủ tục cần thiết để bổ sung đường 8 và đường 12 vào Nghị định thư số 1 của Hiệp định GMS-CBTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa 9 tỉnh, 3 nước và hành lang kinh tế Đông – Tây. Đây là cơ sở để đưa hợp tác lên tầm cao mới, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN của mỗi tỉnh.

Khai thác tối đa lợi thế

Những năm qua, Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với các tỉnh của 3 nước, đặc biệt là các tỉnh của Lào, Thái Lan để khai thác có hiệu quả các lợi thế. Thông qua các chuyến thăm, làm việc của đoàn cấp cao, doanh nghiệp (DN) tỉnh Nakhon Phanom và Hà Tĩnh, các tổ chức, DN 2 tỉnh đã ký kết 52 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hội nhập và phát triển bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự tham quan nhà máy sản xuất tấm thạch cao của Công ty Vilaco

Ông Lê Văn Nhị – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho biết, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco và Công ty CP Phát triển Nông Lâm Hà Tĩnh thuộc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đã và đang hợp tác với Công ty Bunthaphan tại Nakhon Phanom thực hiện dự án “Trung tâm Sản xuất lợn giống Mitraco” tại Hà Tĩnh với quy mô 1.200 lợn nái, tổng mức đầu tư gần 88 tỷ VNĐ.

Có thể nói, một trong những mốc son đánh dấu quan hệ hợp tác bền vững giữa DN Hà Tĩnh với nước bạn Lào là hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản giữa Công ty TNHH Việt Lào (Vilaco) với tỉnh Khăm Muộn. Tháng 7/2004, Vilaco chính thức đi vào hoạt động khai thác thạch cao tại huyện Xê-bang-phai. Sau 10 năm, Vilaco đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm thạch cao, bột và tấm trần thạch cao đạt chất lượng, có uy tín hàng đầu tại Cộng hòa DCND Lào, Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh hoạt động SXKD, những năm qua, công ty đã ủng hộ xây nhà mẫu giáo cho huyện Xê-bang-phai trị giá 1 tỷ đồng; tặng 100 suất học bổng trị giá 300 triệu đồng cho tỉnh Khăm Muộn và ủng hộ xây dựng 300 công trình vệ sinh cho bà con dân bản Bừng-hưa-na trị giá 350 triệu đồng.

Lợi thế của đường 8, đường 12 cũng đã mở đường cho Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải hàng quá cảnh. Tổng Giám đốc đối ngoại Công ty Khoáng sản PanAust (Australia) Alistair Maclean cho biết, Công ty Khoáng sản PanAust hiện đang khai thác, chế biến quặng đồng tinh luyện tại Lào và xuất sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Từ trước đến nay, Công ty xuất khoáng sản trên qua cảng Sri Racha (Thái Lan). Tuy nhiên, qua trực tiếp khảo sát hệ thống giao thông đường bộ cũng như cảng biển Vũng Áng, công ty nhận thấy việc xuất hàng qua cảng Vũng Áng có nhiều thuận lợi hơn.

Hội nhập và phát triển bền vững
Công ty Vilaco hiện là nhà cung cấp nguyên liệu thạch cao và các sản phẩm làm từ thạch cao đạt chất lượng, uy tín hàng đầu tại CHDCND Lào.

Để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển giữa các tỉnh có sử dụng đường 8, đường 12 của 3 nước, thời gian qua, Hà Tĩnh đã tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, đồng thời chủ động làm cầu nối liên doanh, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia quảng bá tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch theo các tour với các tỉnh của Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Nậm Phào đường 8 và Cửa khẩu Cha Lo – Na Phạu đường 12; rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai những cam kết song phương, đa phương về du lịch; hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch liên quốc gia trên hành lang kinh tế Đông – Tây.

Theo ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, năm 2014 đánh dấu bước phát triển mới của ngành Du lịch Hà Tĩnh khi chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng khách du lịch đạt 601.023 lượt (tăng 16,3% so với cùng kỳ 2013). Nét mới là lượng khách đến từ Viên Chăn, Khăm Muộn (Lào), Nakhon Phanom (Thái Lan)… khá đông.

Hà Tĩnh cũng đã và đang hợp tác với các tỉnh Bôlykhămxay, Khăm Muộn (Lào) và các tỉnh của Thái Lan trên lĩnh vực khoa học – công nghệ và chuyển giao công nghệ. Tỉnh trưởng tỉnh Nakhon Phanom Adisak Thepasna cho biết, những kết quả hợp tác trong thời gian qua đã chứng minh cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Hà Tĩnh với Nakhon Phanom cũng như với các tỉnh khác hiệp hội. Với thế mạnh và kinh nghiệm của mình, Nakhon Phanom cam kết hợp tác, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho Hà Tĩnh trên các lĩnh vực thương mại – du lịch, giáo dục – đào tạo, nông nghiệp và ngược lại, Hà Tĩnh cũng có những tiềm năng, thế mạnh của riêng mình để Nakhon Phanom tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển.

Hiệp hội các tỉnh sử dụng chung đường 8 và đường 12 của 9 tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan gồm: Bôlykhămxay, Khăm Muộn (Lào); Bưng Càn, Nakhon Phanom, Nọong Khai, Sakon Nakhon (Thái Lan); Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, việc liên kết các vùng, các nước trong khu vực là hết sức cần thiết. Vì vậy, việc thúc đẩy, phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây trên cơ sở phát huy lợi thế các trục đường 8 và đường 12 nối liền Việt Nam – Lào – Thái Lan càng có ý nghĩa trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế các bên.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, sự khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đang là một vấn đề đáng quan tâm của nhiều quốc gia, chúng ta lại phải gánh chịu thêm những mối quan ngại gây bất ổn tình hình an ninh của khu vực, đòi hỏi các tỉnh tin tưởng vào nhau và hợp tác chặt chẽ hơn trên tất cả các lĩnh vực vì sự phát triển của mỗi tỉnh và sự phát triển chung của 3 nước và khu vực.

Thanh Hoài – Chính Thu/baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP