Giáo dục

Hai dự thảo luật giáo dục bỏ rơi người khuyết tật

Gần 100 trang báo cáo tổng kết thi hành Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học không đề cập đến giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật.

Ths. Phạm Trọng Cường, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chia sẻ quan điểm về hai dự thảo Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học đang được Quốc hội thảo luận.

Dành tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm - khoảng 5% GDP - để đầu tư cho mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục là quyết tâm chính trị lớn lao và nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện quốc sách hàng đầu trong điều kiện một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Có những thời điểm, mức đầu tư cho giáo dục của Việt Nam thậm chí còn vượt trên cả một số nước phát triển trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan.

Vậy nhưng không phải lúc nào thành quả phát triển này cũng được chia đều cho mọi người. Hồ sơ sửa đổi Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục đại học năm 2012 đang được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 cho thấy vấn đề giáo dục cho trẻ em, thanh niên khuyết tật dường như đang bị bỏ lại phía sau.

Từ cam kết chính trị mạnh mẽ…

Tại phiên họp sáng 28/11/2014 trong kỳ họp thứ 8 khóa 13, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) với hai ấn tượng mạnh mẽ: 100% đại biểu bấm nút tán thành và Điều 2 của Nghị quyết phê chuẩn tuyên bố Việt Nam cam kết thực hiện CRPD trên tất cả lĩnh vực, không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào.

Cần nói rõ rằng đây là cam kết rất mạnh mẽ, vì nó ràng buộc nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam với tư cách là thành viên của điều ước, trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn phải nỗ lực không ngừng để tháo gỡ, giải quyết vô vàn những thách thức, rào cản phân biệt đối xử và nguy cơ bị “lề hóa” mà người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em và người lớn đang đối mặt.

CRPD là một trong 9 điều ước quốc tế cốt lõi về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, là một trong 4 điều ước nhân quyền toàn diện về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, lao động di cư), và là điều ước nhân quyền đầu tiên của Liên Hợp Quốc trong thế kỷ 21 có được sau nhiều thập kỷ nỗ lực của Liên Hợp Quốc và cộng đồng người khuyết tật thế giới qua nhiều thế hệ.

Bởi vậy, việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CRPD với tỷ lệ tuyệt đối và không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào làm nức lòng và thắp lên ngọn lửa hy vọng trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, cũng giống như niềm vui của cộng đồng người khuyết tật thế giới khi đón nhận kỷ lục có tới 82 quốc gia tham gia ký và một quốc gia phê chuẩn ngay CRPD vào ngày mở ký 30/3/2007 - cao nhất trong lịch sử phát triển các điều ước của Liên Hợp Quốc.

Giá trị lớn lao nhất là CRPD thắp lên cho mỗi người khuyết tật đó là đòi hỏi sự thay đổi có tính đột phá trong nhận thức về khuyết tật trên phương diện tiếp cận quyền, khẳng định người khuyết tật là một phần của sự đa dạng của nhân loại, dựa trên phẩm giá vốn có. Người khuyết tật sở hữu đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người và tự do cơ bản. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm dỡ bỏ các rào cản để bảo đảm quyền của người khuyết tật. Điều đó cũng có nghĩa là loại trừ cách tiếp cận từ thiện và y tế, với định kiến đặc trưng coi người khuyết tật là nạn nhân của khiếm khuyết, là đối tượng của tình thương, không thể sống độc lập và phát triển bình thường.

Điều 24 Công ước CRPD yêu cầu các quốc gia thành viên phải có những điều chỉnh hợp lý để bảo đảm một hệ thống giáo dục hòa nhập, không phân biệt đối xử ở mọi cấp học và chương trình học tập suốt đời. Điều 24 đồng thời nhấn mạnh phải xóa bỏ những rào cản phân biệt đối xử tiềm ẩn trong chính sách, pháp luật, trong môi trường xã hội, trong thái độ, định kiến để người khuyết tật có thể tiếp cận với bậc đại học hoặc cao đẳng, hệ dạy nghề, giáo dục dành cho người lớn, trên cơ sở tôn trọng nhân cách, phẩm giá và khơi dậy tiềm năng phát triển của người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em.

Em Nguyễn Gia Lâm ở Tây Ninh bị khuyệt tật tay chân, viết chữ bằng mỏm cụt. Ảnh: Cao Khẩm.

Đến sự thờ ơ có thật…

12 năm thi hành Luật Giáo dục, 5 năm thi hành Luật Giáo dục đại học cũng ngần ấy thời gian để thực thi các quyết sách trọng đại của Đảng và Nhà nước trong Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020. Đó là chặng đường đủ dài để nhìn nhận lại vấn đề quản trị giáo dục đối với người khuyết tật và sự hưởng lợi của trẻ em, thanh niên khuyết tật từ quốc sách hàng đầu của đất nước.

Vậy nhưng dù cố gắng sử dụng các thủ pháp tìm kiếm để rà kỹ gần 100 trang báo cáo tổng kết thi hành 2 đạo luật này, cảm giác hụt hẫng, nhói buốt cứ rõ dần khi người đọc hầu như không thể tìm thấy nội dung nào đề cập đến hiện trạng giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật, bảo đảm tiếp cận các cấp học cao hơn của thanh niên khuyết tật.

Có hai giả thuyết đặt ra. Một là, các quy định về giáo dục đối với người khuyết tật tại các điều 10, 27, 63, 82, 89 của Luật Giáo dục hiện hành và việc thực thi chúng đã quá đủ, quá tốt để bảo đảm quyền học tập của người khuyết tật nên không cần phải sửa đổi, phát triển gì thêm. Giả thiết này, nếu có được đặt ra, sẽ là nỗi nhức nhối với cộng đồng người khuyết tật bởi thực trạng còn đầy bất cập của công tác giáo dục hòa nhập hiện nay.

Ngay trong kỳ họp này, Báo cáo giám sát thi hành Luật giáo dục của Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng chỉ rõ: Tuy số lượng trẻ em khuyết tật đến trường có tăng hàng năm nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường trong Chiến lược phát triển giáo dục vẫn khó đạt được. Năm 2015 “hơn một nửa số trẻ em khuyết tật nặng chưa từng được đến trường”.

Cũng năm 2015, Báo cáo giám sát chuyên đề về Luật người khuyết tật của Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho thấy, hầu hết trường phổ thông chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy để giáo dục hòa nhập. Rất nhiều tỉnh, thành phố chưa có trung tâm, trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục hòa nhập. Số lượng người khuyết tật được dạy nghề đạt thấp, hầu hết chỉ ở trình độ sơ cấp...

Giả thiết thứ hai là quá trình tổng kết thi hành luật, nghiên cứu sửa đổi luật đã bỏ quên vấn đề này, hay nói cách khác, dường như vấn đề giáo dục đối với cộng đồng người khuyết tật chiếm 7,8% dân số đã bị bỏ lại phía sau, hoặc cùng lắm là “nép” vào cùng những quy định trung tính, áp dụng chung cho mọi đối tượng. Trong khi các cấp ngành mê mải tập trung cho những “điểm nghẽn”, “nút thắt” của mô hình quản trị, đầu tư, phân quyền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập... thì lại thờ ơ, lãng quên các yêu cầu về giáo dục đào tạo, hệ thống giáo dục đào tạo cho người khuyết tật.

Đó là vấn đề thúc đẩy ngôn ngữ ký hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển tài liệu, giáo trình bằng chữ nổi, sách nói, công cụ hỗ trợ học tập, phát triển đội ngũ giáo viên, thiết kế tiếp cận đối với trường học, cơ sở vật chất trường học, đẩy mạnh thiết kế phổ cập tạo điều kiện cho người khuyết tật không bị “lề hóa” khi tham gia vào môi trường xã hội… Không luật hóa những vấn đề này thành chính sách, pháp luật, không nỗ lực cải thiện môi trường, thái độ, sự định kiến trên phương diện tiếp cận quyền, giấc mơ đến với giảng đường đại học của nhiều thanh niên khuyết tật sẽ mãi xa vời, đẩy sâu các em vào thế giới của sự mặc cảm, tự ti hoặc phải trông chờ vào tình thương, sự sẻ chia lòng từ thiện.

Chỉ mới 3 năm trước, Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội ban hành năm 2014, cũng vào thời điểm phê chuẩn CRPD đã tạo ra bước tiến quan trọng để thúc đẩy cơ hội học tập, mưu sinh của người khuyết tật với hàng loạt chính sách về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người khuyết tật tham gia học nghề, chế độ đối với giáo viên, giảng viên cho người khuyết tật. Không lẽ gì Luật giáo dục đại học lại từ chối những quy định này, trong khi nhu cầu được học tập, phát triển của người khuyết tật là rất chính đáng, nhất là trong bối cảnh hiện nay sự gia tăng số lượng người khuyết tật vì nhiều nguyên nhân thực sự là vấn đề xã hội cần được quan tâm. Chỉ tai nạn giao thông mỗi năm cũng làm gia tăng thêm khoảng 20.000 người bị thương ở nhiều độ tuổi.

Hơn lúc nào, việc sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cần tạo ra những điều chỉnh hợp lý để trân trọng mở ra cơ hội tốt hơn bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng và tham gia đầy đủ của người khuyết tật vào hệ thống giáo dục, thụ hưởng thành quả phát triển của đất nước. Mong sao các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục luôn lưu ý rằng sự từ chối điều chỉnh hợp lý môi trường và khả năng tiếp cận giáo dục ở những bậc học cao hơn đối với người khuyết tật là một trong những hình thức phân biệt đối xử nổi bật mà Công ước CRPD nhấn mạnh.

Tác giả: Phạm Trọng Cường

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP