Ngày 24-11-2014, ông nhận được tấm hình một người đàn ông lạ do anh Lê Ngọc Vũ (con trai ông) gửi về. Linh tính mách bảo, người trong bức hình có liên hệ với cha của mình. Theo lời kể của anh Vũ, khi xử lý hồ sơ của thực dân Pháp để lại sau năm 1954 trong phòng điều tra, một cán bộ thuộc Bộ Công an đã phát hiện ra tấm hình ông Lê Chí có nét hao hao giống người bạn thân cùng ngành của mình. Anh ta đã gọi Ngọc Vũ sang dù tia hy vọng cũng rất mong manh. Cho đến khi anh Vũ xem xong bức hình và cầm máy điện thoại lên để hỏi bố, thì mọi sự thật đã được hé lộ.
Chân dung ông Lê Chí trong hồ sơ của thực dân Pháp
Theo hồ sơ, đây là tấm hình ông Lê Chí (quê quán xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chụp vào ngày 20-10-1933, khi thực dân Pháp làm hồ sơ đưa ông vào trại giam vì hoạt động cách mạng. Một năm sau, ông Chí được trả tự do về sống với gia đình, đến năm 1952 thì qua đời. Do không có một tấm ảnh nào để lại, nên ba anh em ông Minh không còn nhớ mặt cha, vì tuổi họ lúc bấy giờ còn quá bé.
Học sinh cũ tặng hoa cho nhà giáo Lê Ngọc Minh (phải) nhân ngày 20-11-2014
Có được tấm ảnh quý giá này, gia đình ông Minh xúc động cảm ơn Bộ Công an, dù đã hơn 80 năm vẫn lưu giữ đầy đủ hồ sơ những người hoạt động cách mạng trong thời kỳ 1930 – 1945. Ngắm nhìn thật lâu bức ảnh, ông Minh chia sẻ: “Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi, vì lần đầu tiên được thấy mặt người cha. Tôi vẫn nhớ như in từng lời mẹ kể, cha bị mật thám truy bắt đưa vào nhà giam: Cha con là một nhà giáo dạy chữ quốc ngữ, nhưng đêm về viết truyền đơn cho cách mạng rồi bị mật thám phát hiện”. Nay mẹ ông Minh đã mất hơn 30 năm.
Câu chuyện ngày trở về của một bức ảnh quý hiếm xảy ra cách đây vài ngày, giống như chuyện cổ tích với kết thúc có hậu.
CHU LỄ/ CA TP.HCM