Trong 4 năm qua, ngân sách trung ương đã hỗ trợ 154,069 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết cho 2 huyện nghèo Vũ Quang và Hương Khê, trong đó: vốn đầu tư phát triển 137,409 tỷ đồng (huyện Vũ Quang 93,187 tỷ đồng, huyện Hương Khê 44,222 tỷ đồng); vốn sự nghiệp cho huyện Vũ Quang 16,66 tỷ đồng. Tỉnh đã bố trí 54 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn các huyện. Ngoài ra, còn có các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác.
Chương trình 30a đã mang lại nhiều thay đổi trên tất cả các lĩnh vực. Nguồn hỗ trợ phát triển và chính sách sản xuất trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn đã đem lại kết quả tốt. Nhờ đó, xuất hiện nhiều mô hình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Huyện Vũ Quang có 653 mô hình, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Huyện Hương Khê có 1.690 mô hình, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên).
… và Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tại xã Hương Bình |
Các địa phương cũng xoá được tình trạng học 3 ca, giúp 5.775 học sinh các cấp được học trong những ngôi trường đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Thông qua chương trình Đào tạo nghề ngắn hạn và hướng dẫn khuyến nông, lâm, chăn nuôi cho bà con nông dân, bình quân hàng năm tạo việc làm cho 400 đến 500 lao động có tay nghề và việc làm ổn định; nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động có hiệu quả (có 28 doanh nghiệp, 442 lao động).
Trong giai đoạn 2010-2013, đã đầu tư 40 công trình trên địa bàn 2 huyện với tổng kinh phí thực hiện 137,409 tỷ đồng. Huyện Vũ Quang đã xóa xong toàn bộ 781 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Huyện Hương Khê đã hỗ trợ nhà ở cho 2.296 hộ nghèo, với tổng số tiền 19 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2013, tại huyện Vũ Quang, thu nhập bình quân của mỗi người dân đạt gần 20 triệu đồng/người/năm (năm 2010 chỉ có 8 triệu đồng/người/năm); tại huyện Hương Khê, thu nhập bình quân đạt trên 17 triệu đồng/người/năm.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Ma Quang Trung phấn khởi trước tốc độ phát triển của Hà Tĩnh trong những năm qua, trong đó tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết, đúng tinh thần của trung ương; lồng ghép tốt các nguồn vốn hỗ trợ khác, xã hội hóa được nguồn đầu tư.
Cục trưởng Ma Quang Trung cũng ghi nhận các kiến nghị của địa phương, đồng thời yêu cầu tỉnh có báo cáo chính thức gửi lên các Bộ, ngành, trong đó đánh giá kết quả so với mục tiêu của Nghị quyết, đánh giá hiệu quả của nguồn vốn trong Chương trình xây dựng NTM và kết quả xuất khẩu lao động trên địa bàn các huyện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Nhờ nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a, tình hình kinh tế – xã hội của các huyện nghèo đã có nhiều thay đổi tích cực. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện cho rằng, qua nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a, tình hình kinh tế – xã hội của các huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã được giảm đáng kể, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 7 %/năm, tốc độ giảm nghèo nhanh. Hương Khê và Vũ Quang đã làm tốt công tác làm đường giao thông, kênh mương nội đồng nhờ nguồn vốn từ chương trình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra, đồng thời đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể việc lồng ghép các nguồn vốn của chương trình và nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM để giảm nghèo lâu dài, bền vững. Ngoài nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, cần hỗ trợ kinh phí sự nghiệp cho 2 huyện, có các nguồn lực, chính sách hỗ trợ vay vốn không chỉ đối với hộ nghèo mà các đối tượng khác ở những địa phương khó khăn cũng nên được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Dương Chiến