Bãi rác tại tổ dân phố Hoàng Hoa (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) và bãi rác Phượng Thành với diện tích 5,5 ha ở thôn Đông Xá (xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ) được xem là lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, những bãi rác này không được xử lý một cách triệt để mặc dù người dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mùi hôi “lan tỏa” khắp nơi
Những ngày nắng nóng, đến tổ dân phố Hoàng Hoa thì mùi hôi thối “lan tỏa” khắp nơi. Cảm giác choáng váng là tâm trạng của bất kỳ ai khi tới gần bãi rác ở đây.
Ông Nguyễn Văn Phúc (56 tuổi, ngụ thôn Hoàng Hoa) cho biết mùa nắng còn đỡ chứ vào mùa mưa thì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Để chứng minh về mức độ ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Hoàng, tổ trưởng tổ dân phố Hoàng Hoa, dẫn chúng tôi đến bãi rác này. Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi khi đến nơi đây là rác thải được chất đầy, bay tứ tung, phía dưới là một hồ nước chưa qua xử lý, bề mặt nổi váng đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Theo ông Lê Viết Trung, phó bí thư tổ dân phố Hoàng Hoa, bãi rác Hoàng Hoa trải dài trên diện tích khoảng 3 ha, được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2001. Từ đó đến nay, rác thải nhiều nơi đưa về đây tập kết và người dân tổ dân phố Hoàng Hoa phải sống chung với nó 14 năm nay.
Có nhà cách bãi rác khoảng 30 m, ông Hoàng Bách Tình (SN 1958, ngụ tổ dân phố Hoàng Hoa) kể: “Ruồi nhặng bu bám không kể xiết. Cứ đến bữa ăn là phải đóng kín cửa nhưng mùi hôi thối vẫn xộc vào, không nuốt nổi”.
Bãi rác Phượng Thành hình thành từ năm 1999. Ban đầu chỉ là điểm tập kết nhỏ nhưng vào năm 2007, UBND huyện Đức Thọ quy hoạch làm bãi xử lý rác thải của 22 xã – thị trấn, sau đó bàn giao cho HTX thị trấn Đức Thọ quản lý. Từ đó, nơi đây trở thành một bãi rác khổng lồ với tổng diện tích khoảng 5,5 ha.
Dù được quy hoạch xử lý rác nhưng ở đây không chỉ có rác thải sinh hoạt mà còn có xác động vật, rác thải y tế chưa qua xử lý. Nhiều hộ gia đình cách xa gần 1 km cũng không tránh khỏi mùi xú uế, còn những hộ sống cận kề bãi rác này thì phải “cắn răng chịu trận”.
Ông Đặng Minh Sành (SN 1959, ngụ thôn Đông Xá) cho biết nước giếng cũng bốc mùi, người dân phải mua nước đóng bình để dùng. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn phản ánh nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp nào xử lý triệt để” – một người dân bức xúc.
Chịu thua vì… thiếu vốn
Thống kê của UBND thị trấn Đức Thọ cho thấy mỗi ngày có gần 30 tấn rác được đưa về bãi rác Phượng Thành. Chưa kể lượng rác của 21 xã trên toàn huyện thì mỗi ngày bãi rác này phải đón nhận hàng trăm tấn rác thải đủ loại chưa qua xử lý…
Theo ông Trịnh Anh Nam, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ, nơi đây đã nhận được phản ánh của người dân và lên phương án quy hoạch, xây dựng một bãi rác chung cho toàn huyện nhưng… chưa có kinh phí thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết vừa mới về nhận công tác nên chưa nắm rõ tình hình ô nhiễm tại bãi rác Hoàng Hoa. “Rác thải là vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Về vấn đề này, tôi sẽ sớm chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, trước mắt có biện pháp hạn chế ô nhiễm” – ông Nhật khẳng định.
Theo ông Nhật, về lâu dài, huyện sẽ có đề án quy hoạch, trình UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng một bãi tập kết rác quy mô để giảm tải tình trạng rác thải, xử lý tuyệt đối an toàn và nằm xa khu dân cư.
Báo cáo của UBND huyện Đức Thọ cho biết tại Quyết định số 35311QĐ-UBND ngày 9-2-2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho các đô thị trong tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 thì vị trí quy hoạch trên địa bàn huyện là tại xã Đức An, có diện tích 5 ha. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện vì thiếu vốn.
Người chết cũng không yên
Không chỉ ô nhiễm môi trường nước, không khí, các bãi rác còn “tấn công” nhiều nghĩa trang họ tộc của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phúc (56 tuổi, ngụ tổ dân phố Hoàng Hoa) cho biết mỗi lần đến viếng ông bà, cúng giỗ đều chứng kiến cảnh rác phủ đầy mộ khiến ai cũng đau lòng. “Mình sống đã không ổn rồi, người chết cũng chẳng yên. Rác tràn lên các phần mộ của ông bà, đặt mâm cơm thì ruồi nhặng lại bu đầy” – ông Phúc bùi ngùi.
Bãi rác Phượng Thành nằm kề nghĩa trang của xã Đức Hòa, mỗi lần gió to, rác thải bay tung tóe lên khắp các phần mộ. Có nghĩa trang dòng họ nằm sát bãi rác Phượng Thành, chị Nguyễn Thanh Hương (ngụ thôn Đông Xá) bức xúc: “Mỗi khi họ hàng ở xa về thắp nén nhang cho các cụ mà phải bịt khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối”.