Lộc Hà

Hà Tĩnh: Mỗi lần biển động, hàng chục ngôi nhà bị… cuốn trôi

Hàng trăm hộ dân sống dọc bờ biển Xuân Hải (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang phải đối mặt với thực trạng biển xâm thực vào đất liền khiến nhà cửa, ruộng vườn của họ mất dần.

Hàng chục ngôi nhà đã bị sập, tuyến đường bê tông dần “biến mất”, hệ thống cây chắn gió cũng bật gốc hoặc trôi ra biển… Đó là những gì còn lại sau mỗi lần biển động sóng tràn vào.


Theo tính toán của cơ quan chức năng thì từ năm 2006 đến nay (năm thành lập huyện Lộc Hà), biển đã lấn sâu vào đất liền của huyện Lộc Hà chừng hơn 100m. Các địa bàn bị biển xâm thực mạnh nhất là các xã Thạch Kim, Thạch Bằng và Thịnh Lộc.


Tại xã Thạch Kim, có năm cùng với sóng biển do bão tố gây ra, biển đã nuốt trọn 150 ngôi nhà, gây thiệt hại nhiều về tài sản, gây xáo trộn về đời sống của người dân. Sau khi nước rút một phần bờ biển của Thạch Kim hoang tàn, thậm chí biển còn kéo luôn cả một bãi rác.


Anh Trần Văn Bé, một chủ nhà hàng kinh doanh nghề hải sản ở bờ biển Xuân Hải, xã Thạch Bằng cho biết: “Tôi mở nhà hàng kinh doanh ở đây 6 năm nhưng đã 4 lần phải dời nhà vì biển xâm thực quá nhanh. Có năm phải di dời 2 lần vì sóng biển ập vào cuốn mất lều quán”.


Muốn kinh doanh dọc bãi biển Xuân Hải, không chỉ có anh Bình mà hàng trăm tiểu thương khác cũng phải dời quán. Mỗi lần di dời như vậy phải lùi sâu vào đất liền chừng 50m nhưng vẫn không kinh doanh được lâu dài bởi sóng biển lại xâm thực. Sóng biển không chỉ gây tổn thất cho các hộ kinh doanh dọc bãi biển mà hàng trăm hộ dân khác của huyện Lộc Hà cũng đang phải đối mặt với tình trạng sập nhà, mất đất vì nước biển.


Bà Hoàng Thị Châu ở thôn Long Hải xã Thạch Kim lo lắng: “Cả gia đình tui làm nghề đi biển đánh cá, cuộc sống khó khăn, chắt góp, cất được gian nhà cấp 4, không ngờ khoảng vài năm lại đây nước biển dâng cao bất thường đã ăn sâu vào đất liền cuốn trôi hàng phi lao chắn sóng. Giờ nước biển cách nhà chừng 5m, sống trong đó không biết sập lúc nào”. Cũng theo ông Phạm Xuân Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Từ năm 2007 lại đây, cuộc sống của 700 hộ gia đình nằm tiếp giáp với biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng biển xâm thực nhanh và bất thường. Minh chứng rõ nhất là 200ha cây phi lao cao gần 10m được địa phương trồng hàng chục năm để chắn sóng, chắn gió bây giờ nước biển dâng vào rồi cuốn mất ra biển…”.


4 năm trước khi mới thành lập huyện, bờ biển Xuân Hải được đánh giá là một trong những điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất của không chỉ huyện này mà còn của cả tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng sau 4 năm thì bãi biển này trở nên hoang tàn, đổ nát đến khó tưởng tượng. Một cảnh tượng thật khó tin là trong chừng 2km của bờ biển Xuân Hải, xã Thạch Bằng đã có 17 nhà hàng bị biển đánh sập hoàn toàn. Hệ thống tuyến đường bê tông chạy dọc theo bãi biển cũng bị biển “nuốt” mất, dãy cây chắn gió thì bị bật gốc hoặc chết, thậm chí đến cả những dãy cột điện cũng đổ gãy ngổn ngang… Liệu tình trạng biển xâm thực ở Lộc Hà sẽ kéo dài đến bao lâu và cuộc sống của những người dân nơi đây sẽ ra sao? Đây cũng đang chính là nỗi lo lớn của người dân lẫn cơ quan chức năng huyện Lộc Hà.


Thân Văn Tuân

Báo Văn Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP