Dự án đầu tư

Hà Tĩnh-Lũ lụt đi qua lộ ra bất cập

Quảng Bình và Hà Tĩnh là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong trận lũ vừa qua. Hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có những công trình bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Những thiệt hại về kinh tế thì đã rõ, song vấn đề đặt ra lúc này là việc đánh giá, khảo sát, thiết kế thi công công trình liệu đã đúng quy trình?

hatinh24h

Cảnh sạt lở thường thấy tại các công trình hạ tầng tại miền núi sau lũ.

Những năm qua Hà Tĩnh là 1 trong những tỉnh đầu tư lớn nhất cho chương trình Nông thôn mới, nhất là về cơ sở hạ tầng . Vậy nhưng hình như các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, cơ quan quản lý về chuyên môn, lại chưa bám sát thực tế địa bàn, mục đích đầu tư, nguồn vốn.v.v.. dẫn đến nhiều công trình không phát huy tác dụng, thậm chí còn tác động ngược trong mục đích phục vụ dân sinh.

Thực tế trận lũ vừa qua đã cho ta thấy các huyện miền núi của Hà Tĩnh và Quảng Bình, công trình giao thông đang thi công dang dở, hay mới vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã bị lũ gây hư hỏng rất nghiêm trọng, có những đoạn đường nhà thầu vừa thi công xong trước lũ thì sau lũ toàn bộ mặt đường, nền đường giống như những con suối, con khe.

Gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp xây dựng, (đối với các dự án, công trình đang dang dở, chưa hết bảo hành), tiền tái đầu tư của nhà nước, của nhân dân, (những dự án, công trình vừa hết bảo hành). Đó là một thực trạng không hiếm thấy tại những địa phương vùng lũ.

Cụ thể nhất là gói thầu XL02 thuộc dự án đường cứu hộ cứu nạn qua các xã; (Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Ân Phú) thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và chủ đầu tư huy động các nguồn hợp pháp khác, dự án do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư.

Cảnh nước lũ tràn qua đường vì hệ thống thoát nước không phù hợp, thuộc gói thầu XL 02.

Bắt đầu từ Km 00 đến Km2+242, được khởi công năm 2013, đến tháng 8 năm 2014 hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nhưng trận lũ vừa qua đã bị sạt lỡ rất nghiêm trọng (200m chiều dài, gồm cả lan can chắn đường), ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Trao đổi với đại diện của chủ đầu tư ông Phan Xuân Nam- Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Vũ Quang thì được biết; “ Trận lũ vừa qua toàn huyện bị sạt lỡ, hư hỏng rất nhiều về cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, điển hình là là gói thầu XL02 thuộc dự án đường cứu hộ cứu nạn qua các xã; (Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Ân Phú).

Nguyên nhân, theo vị trưởng ban này là do lũ quá lớn, nước chảy xiết. Bản chất của dự án là cứu hộ cứu nạn nên cao trình hoàn thành mặt đường phải cao hơn đỉnh lũ các năm trước đây, dẫn đến nước thoát không kịp mới gây ra xói lỡ, thiệt hại cho công trình. Về phía Ban, giờ đang đau đầu trong việc huy động nguồn tiền để khắc phục sữa chữa, vì công trình đã hết bảo hành rồi.”

Tình trạng đường bị xói lở sau khi lũ rút đi.

Nghe qua ý kiến của vị trưởng Ban này, có vẻ hợp lý, “mọi yếu tố là do mưa lũ gây ra”, nhưng khi phân tích ra mới thấy được Dự án này sai ngay từ bước đầu tiên (bước khảo sát địa hình(trắc địa). Đúng ra khi khảo sát phải đánh giá được cao trình tự nhiên, nơi tuyến đường đi qua, cao trình các khu dân cư, công trình công cộng nằm trên tuyến và gần tuyến có thể ảnh hưởng đến công trình.

Phải khảo sát đánh giá được hướng thoát nước, lưu lượng, thậm chí là vận tốc chảy của nước về mùa lũ, nhất là đối với địa bàn vùng núi, từ những yếu tố đó để đơn vị tư vấn thiết khế tính toán bố trí phương án hệ thống thoát nước hợp lý.

Hình ảnh tuyến đường giống như bờ đập chắn nước.

Điểm bất cập tại gói thầu XL 02 này nằm ở chỗ với chiều dài 2 Km, Cos tự nhiên so với Cos thiết kế mặt đường (hoàn thành) hơn 4m, xung quanh địa hình dốc, nhưng chỉ bố trí 2 cống hộp rộng 3m, nên nước thoát không kịp, mới gây ra xói lở mạnh.

Theo anh Nguyễn Văn Chương, một người dân ở xã Đức Lĩnh huyện Vũ Quang cho biết; “trước đây dù mưa to, gió lớn cũng không ngập lụt dài ngày như bây giờ. Vậy nhưng, kể từ khi có con đường vượt lũ thì vùng thượng lưu và hạ lưu mực nước chênh lệch quá lớn, cống thoát nước vừa nhỏ lại vừa ít cống (2 cống hộp trên một đoạn đường dài) dẫn đến nước tiêu thoát không kịp.

Đặc biệt cống Cầu Đập bố trí không hợp lý (sát với đường dân sinh) nên gây xói lở vô cùng nghiêm trọng. Toàn bộ tuyến đường này lại không hề xây lắp bậc dân sinh(đường cao từ 5-7m ) nên vào ngày thu hoạch mùa người dân chúng tôi phải vất vả lắm mới có thể đưa được lúa, hoa màu lên đường để đưa về nhà. Là người dân vùng lũ, có đường vượt lũ là tôi vui mừng lắm rồi, nhưng nếu trên đường này được thiết kế bổ sung xây dựng thêm cầu có lan can che chắn thì sẽ thuận lợi và an toàn hơn trong việc đi lại mỗi khi nước lũ dâng cao. Anh Chương mong muốn!

Qua dự án gói thầu XL02 đường cứu hộ cứu nạn các xã (Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Ân Phú) thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vấn đề đặt ra lúc này là các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cần quan tâm hơn trong việc khảo sát, nghiên cứu thật kỹ lưỡng về địa hình, địa chất, điều kiện thuỷ văn trước khi quyết định đầu tư để tránh lãng phí nguồn vốn và phát huy đúng tác dụng của công trình.

Quang Toản

  Từ khóa: lộ ra , lũ lụt , bất cập

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP