Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, cùng đại diện các sở ban ngành, các nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa cùng đông đảo bà con nhân dân.
Diễn văn khai mạc buổi lễ, ông Võ Hồng Hải, Bí thư Huyện ủy Can Lộc đã ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của thi hào Xuân Diệu đối với nền thơ ca dân tộc, đặc biệt là đối với phong trào thơ mới.
Những tác phẩm của ông đã thể hiện rõ tình yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên và tình yêu đôi lứa mãnh liệt. Ông để lại cho hậu thế một di sản văn chương đồ sộ với gần 50 đầu sách đủ các thể loại từ thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học…
Được thừa hưởng từ tính chất thông minh, cần cù, chăm học của người cha, một ông đồ của xứ Nghệ và tình cảm nồng nhiệt, đằm thắm của người mẹ, cùng linh khí của 2 miền quê Hà Tĩnh, Bình Định đã tạo nên một hồn thơ Xuân Diệu nồng nàn, đậm sắc trữ tình. Xuân Diệu được tôn vinh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới là ông hoàng của thơ tình, tác giả tiêu biểu nhất của dòng thơ lãng mạn Việt Nam những năm 1930 – 1945.
Sau Cách mạng tháng 8, thơ Xuân Diệu đã chuyển mạnh sang dòng thơ công dân với giọng điệu hùng tráng, ca ngợi Tổ quốc, quê hương gắn bó với nhân dân, đất trời, tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam. Xuân Diệu đã để lại hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, phê bình văn học…. Thơ Xuân Diệu bay bổng nhưng gần gũi với cuộc sống, luôn đồng hành cùng với những chặng đường phát triển của đất nước. Là người có công phát hiện và bồi dưỡng đào tạo nhiều tài năng trẻ, trở thành những cây bút tên tuổi của nền văn học nước nhà…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tự hào: “Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa lịch sử nổi tiếng. Và trong dòng chảy của văn hóa dân tộc có rất nhiều nhà văn, nhà thơ quê hương Hà Tĩnh bằng tài năng và sức sáng tạo của mình đã đóng góp to lớn cho kho tàng văn học Việt Nam, trong đó có thi hào Xuân Diệu”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những thành tựu và đóng góp của thi hào Xuân Diệu đối với nền văn chương Việt Nam.
“Đây là dịp để bày tỏ lòng tự hào, ngưỡng mộ, tình cảm yêu quý với những cống hiến to lớn của thi hào đối với nền văn học nước nhà, khơi dậy lòng tự hào, quý mến với những người con ưu tú của quê hương, từ đó để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị di sản văn học của Xuân Diệu đến với mọi người, tạo phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Góp phần để thực hiện tốt đề cao vai trò của VHNT trong việc nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm, tâm hồn con người trong thời kỳ phát triển mới của quê hương, đất nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng và nhân cách của thi hào Xuân Diệu.
“Xuân Diệu là nhà thơ lớn, ông nổi tiếng từ trước cách mạng, từ thời thơ mới với 2 tập thơ: Thơ Thơ và Gửi hương cho gió. Sau cách mạng tài năng Xuân Diệu lại càng bừng sáng với nhiều thể loại như thơ, tiểu luận, phê bình… Ông viết hay đến mức không ai có thể thay thế được. Những sáng tác của thi hào Xuân Diệu sẽ vẫn còn mãi giá trị”.
Trước đó vào sáng cùng ngày (20/2), trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh, Trưởng Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Xuân Diệu- Tác giả và Di sản Văn học.
Hội thảo nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của thi hào Xuân Diệu cho nền văn học nước nhà, đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản Xuân Diệu để lại.
Tham gia hội thảo lần này có 43 tham luận, tập trung xung quanh những vấn đề về cả sáng tác, nghiên cứu, phê bình và dịch thuật của Xuân Diệu; về tình hình nghiên cứu Xuân Diệu – tác giả, tác phẩm và các vấn đề liên quan đến cuộc đời, con người, quê hương, thời đại của Xuân Diệu.
Trong bài tham luận “100 năm Xuân Diệu và tầm vóc, sức sống một tác gia, một di sản văn học” của mình, PGS.TS Biện Minh Điền, Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh nhấn mạnh: “Hơn ¾ thời gian của 100 năm ấy, Xuân Diệu là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Và có lẽ, vào ngày này, một nghìn năm sau (02/02/2916), hậu thế cũng sẽ tổ chức kỷ niệm 1000 năm ngày sinh của Xuân Diệu, vẫn nhắc đến ông như những gì yêu thương, gần gửi nhất”.
“Nói đến Xuân Diệu là người ta nghĩ ngay đến ông với tư cách là một nhà thơ lớn với khối di sản văn chương đồ sộ”.
Còn với nhà văn Đức Ban thì lại bàn luận về cái “tôi” trong thơ Xuân Diệu giai đoạn thơ mới 1932-1945.
“Cái “Tôi” trong thơ Xuân Diệu là cái cá thể nhưng không phải là cái tôi đơn nhất chỉ dành cho một người. Nó vẫn mang phẩm chất chung của nhiều người. Và có thế mới tạo nên một sức lan tỏa phi thường, khơi gợi dậy muôn nghìn cái “tôi” đồng dạng với nó”.
PGS. TS Tôn Phương Lan, Viện Văn học thì chỉ ra rằng từ cuộc đời của Xuân Diệu, bài học đối với hậu thế nói chung và đối với những người nghiên cứu nói riêng là tình yêu đối với công việc.
“Tình yêu đó giúp cho con người thấy trở nên ham học, ham hiểu biết và cuộc đời sẽ trở nên ý nghĩa hơn, giàu có hơn, sẽ quên đi những nối buồn và bất hạnh của đời mình.
Dưới đây là một số hình ảnh Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu:
Xuân Diệu (02/02/1916 – 18/12/1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bôi , thôn Tùng Giản , xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định |
Clip lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu:
Clip Trần Tuấn (laodong.com.vn)