Xã hội

Hà Tĩnh: Dân 'ngập nước mắt' vì đất nông nghiệp bị sình lầy

Dù đang thời điểm gieo trồng vụ Đông Xuân nhưng khu vực canh tác của người dân Cổ Đạm gần đập Xuân Hoa (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn bỏ hoang.

Ngay sát chân đập Xuân Hoa, gần một nửa diện tích đất canh tác của người dân xã Cổ Đạm phải bỏ hoang.

Ngoài cỏ dại thì toàn bộ diện tích đất ở đây đều bị sình lầy, trâu bò và máy móc không thể hoạt động.

Có ruộng mà không thể cày cấy

Đang giữa mùa vụ nhưng hơn 0,5 ha ruộng của ông Trần Văn Quang (thôn Hải Đông, xã Cổ Đạm) tại cánh đồng Cuốc, ngay sát khu vực chân đập Xuân Hoa (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn bỏ không.

Gia đình ông Quang có gần 1 ha đất sản xuất nằm gần khu vực đập Xuân Hoa. Trong đó, hơn 0,5 ha ruộng nằm trong vùng bị sình lầy, không thể gieo cấy. Những vụ mùa trước, ông Quang còn cố vớt vát để gieo thêm vài ba sào lúa.

Nhưng ba năm lại đây hiện tượng này ngày càng lan rộng, nền đất nhão, sụt lún ông đành ngậm ngùi nhìn đất bỏ không. Gia đình ông Quang cũng là hộ dân có diện tích đất ruộng bị sình lầy lớn nhất tại xã Cổ Đạm.

“Trong khi nhà tôi người đông, sức lao động có thừa, đất canh tác thì rộng nhưng vẫn không thể cày cấy. Mấy sào ruộng tại đồng Cuốc chỉ cần bước xuống là lún xuống tận đầu gối. Người xuống đã khó chứ đừng nói máy móc hiện đại”, ông Quang ngán ngẩm.

Nhiều người dân tại đây cho biết, trước đây vùng đất này là ruộng cạn. Trung bình, mỗi năm người dân canh tác từ 2 - 3 vụ cho năng suất cao. Nhưng khoảng 6 - 7 năm trước, đất ruộng xung quanh khu vực hồ chứa nước Xuân Hoa thuộc cánh đồng Cuốc và đồng Bản bắt đầu bị sình lầy. Hễ bước chân xuống là bị lún sâu từ 20cm đến 1m.

Tình trạng sình lầy diễn ra ngày càng nặng nề, theo đó diện tích phải bỏ hoang ngày càng tăng khiến hàng trăm hộ dân rất xót xa vì không có đất canh tác. Không chỉ ở cánh đồng dưới chân đập Xuân Hoa mà ở cánh đồng Họ cũng có một diện tích lớn bị sình, ngập nước phải bỏ hoang.

Ông Hoàng Cát, thôn Hải Đông chia sẻ: “Chúng tôi ở đây vốn đã ít ruộng, nay lại bị sình lầy nên không có đất để sản xuất. Trước đây, ruộng nhà tôi chỉ sâu khoảng 20cm, nhưng nay bùn lún xuống tận nửa mét. Thậm chí nhiều chỗ đất nhão ngập đến tận bụng người lớn. Nhà tôi phải cắm biển cảnh báo để người dân băng qua đây đề phòng”.

Cũng theo ông Cát, nhiều phần ruộng mức độ sình lầy nhẹ, người dân cố vớt vát để gieo cấy nhưng chỉ có thể sử dụng máy cày cầm tay để canh tác đất. Trâu bò hay các máy móc hiện đại đều “bó tay”. Tuy nhiên, năng suất từ những ruộng này rất thấp.

Người dân tận dụng một số ruộng sình lầy, sụt lún mức độ nhẹ để canh tác nhưng sản lượng lúa tại đây rất thấp.


Nông dân “ngóng” giải pháp

Theo thống kê của UBND xã Cổ Đạm hiện có khoảng 9 ha đất sản xuất lúa hai vụ của người dân bị sình lầy không thể sản xuất được. Đây là diện tích đất của khoảng 156 hộ thuộc 4 thôn như Hải Đông, Vân Thanh, Vân Thanh Bắc và thôn An Lạc.

Trong số này có 60 hộ dân có từ 1 sào đến hơn 0,5 ha phải ngừng canh tác do sình lầy. Nhiều hộ dân nhận định, từ khi có đập chứa nước Xuân Hoa (2012), ruộng bắt đầu sình lầy nhiều hơn. Đến nay, vùng sình lầy đã mở rộng, những ruộng cách chân đập nước hơn 200m cũng đã bị sình lầy. Diện tích ruộng không thể cày cấy được năm sau cao hơn năm trước...

Trước hiện tượng này, người nông dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý, cải tạo để họ có thể canh tác. Thế nhưng nhiều năm qua, vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm.

Đại diện UBND xã Cổ Đạm cũng cho biết, hiện tượng đất canh tác bỗng nhiên bị sình lầy xuất hiện đã hơn 5 năm qua. Trước đây, diện tích bị sình lầy chỉ khoảng 4 - 5 ha, nhưng hiện nay hiện tượng này càng lan rộng đến nay khoảng 9 ha.

Để giúp người dân sản xuất, thời gian qua, xã Cổ Đạm đã phải lấy một phần quỹ đất dự phòng của xã để cho dân canh tác. Tuy nhiên, số đất dự phòng có hạn nên rất ít hộ được cấp, nhu cầu đất sản xuất của người dân vẫn còn rất lớn.

“Hiện tại, địa phương cũng không còn quỹ đất để hỗ trợ sản xuất cho bà con. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân tại xã Cổ Đạm. Ngoài ra, hiện tượng sình lầy tại khu vực đập Xuân Hoa ngày càng lan rộng khiến người dân và địa phương rất lo lắng. Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cấp ngành liên quan để xem xét tìm nguyên nhân giải pháp”, ông Phan Đình Ca - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm thông tin.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, Sở đã nắm được sự việc và đã chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý.

UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn kinh phí nâng cấp hồ chứa nước hồ Xuân Hoa. Nghiên cứu, xử lý dứt điểm hiện tượng diện tích đất trồng lúa phía hạ lưu hồ chứa bị sình lầy đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Tác giả: Phượng Vũ

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP