Đây là bến đò có vai trò rất quan trong trong việc đi lại và sản xuất của người dân xã này. Tuy nhiên khi hoàn thành đưa vào sử dụng người dân đã hết sức thất vọng vì thiết kế và thi công bến đò không phù hợp với thủy chế và địa hình ở khúc sông khiến cho việc đi lại trước đã khó khăn nay lại vất vả hơn.
Nâng cấp, sửa chữa- mới cũng như không!
Khúc sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hương Thủy có tất cả 3 bến đò. Bến đò số 2 là bến huyết mạch nhất trong việc đi lại và phục vụ nhu cầu dân sinh của xã này.
Trước tình trạng bến đò này đang dần xuống cấp, năm 2015 chính quyền xã Hương Thủy đã trình lên UBND huyện Hương Khê xin kinh phí khắc phục sửa chữa. Đầu tháng 11/2015 công trình được khởi công, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư.
Vì trên khúc sông này đang có dự án xây cầu vượt lũ nên bến đò số 2 chỉ được phê duyện ở hạng mục nâng cấp và sửa chữa. Tổng kinh phí cho công trình này là trên 1 tỷ đồng, trong đó 917 triệu đồng phục vụ cho việc xây lắp, gồm 4 hạng mục: đường vuốt, kè, bến và rãnh thoát nước.
Vào những lúc nước sông xuống thấp người dân muốn lên đò phải bắc cầu rất vất vả |
Nguồn vốn phục vụ cho công trình lấy từ nguồn ngân sách cấp bách phòng chống lụt bão, và một số được huy động từ các nguồn khác. Trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng.
Đơn vị thi công công trình là Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 9 ( trụ sở đóng tại xã Thạch Trung-TP Hà Tĩnh); đơn vị tư vấn thiết kế là Cty CP TV&ĐTXD Hà Tĩnh.
Theo sự phản ánh của người dân thường xuyên qua lại ở bến đò này thì, khi bến đò được nâng cấp đã gây không ít trở ngại cho người qua đò, đặc biệt là vào những ngày sản xuất.
Cụ thể, mặt bến được thiết kế lên quá cao so với bến cũ, cho nên khi gặp con nước kiệt (nước nhỏ) thì thuyền không thể ghé vào sát bến nên người và phương tiện muốn lên đò phải lội từ mép bến ra đò rất vất vả, những lúc nước quá nhỏ muốn lên đò buộc phải bắc cầu; ngoài ra mặt của mép bến không đỗ bê tông mà được thiết kế bằng rọ đá 4X6 nên vào những ngày mùa khi trâu bò chở lúa xuống bến rất dễ vướng chân vào rọ đá không đi lại được.
Đường xuống bến khá dốc, không thoải như bến cũ cũng gây rất nhiều khó khăn cho người dân vào những ngày mùa. |
“ Để tránh những khó khăn khi qua bến đò vào những ngày mùa chúng tôi buộc phải đi đường vòng ngược lên cầu Hương Giang rồi đi xuống để sản xuất. Việc phải đi đường vòng này kéo dài gần chục km”, ông Nguyễn Văn T…, người dân thôn 7, xã Hương Thủy phản ánh.
Khi được hỏi về việc qua lại thường xuyên trên bến đò này để đến trường đã gặp những trở ngại nào thì em Nguyễn Thị Thủy, học sinh lớp 12 Trường THPT Hàm Nghi chia sẻ: “Hôm nay nước to nên dễ đi, bình thường khi nước kiệt, đò nằm ngoài xa, bọn cháu phải xắn quần lội xuống mới lên được. Những hôm trời rét, việc qua đò là một cực hình, ống quần ướt mãi tới trưa vẫn chưa kịp khô”.
Theo thông tin từ người dân, bến đò trước đây thoải hơn, kéo dài ra mãi tận ngoài xa nên dù nước đầy hay cạn thì việc lên xuống vẫn rất dễ dàng. Nay làm bến dốc và ngắn nên việc đi lại rất trở ngại, trâu bò không thể kéo xe lên được.
“Việc người dân phản ánh là đúng, xã cũng đã đề xuất lên với huyện để tìm hướng khắc phục. Trước đây khi bắt đầu nâng cấp sửa chữa chính quyền địa phương cũng đã góp ý nên kéo bến thoải ra để tiện việc đi lại đối với người dân nhưng không được chấp nhận”, Ông Ngô Xuân Tân- PCT xã Hương Thủy cho hay.
Mục đích là phục vụ dân, nếu bất cập sẽ xử lý.
Khi PV đặt vấn đề là trong quá trình khảo sát thiết kế thi công có tính đến thời điểm con nước kiệt hay không thì lãnh đạo Ban Xây cơ bản huyện Hương Khê cho biết: “Khi thiết kế thi công chúng tôi đã tính toán rất kĩ, có cân nhắc đến thời điểm nước kiệt. Tuy nhiên mực nước dòng sông này không được ổn định”.
Phía 2 bên mái kè cũng được ghép đã hời hợt. |
PV đem thắc mắc của người dân phản ánh là tại sao phần hai bên mái sát mép nước không đổ bê tông nên gây khó khăn cho người qua lại Ban Xây dựng giải thích: “ Phần hai bên mái và gần bến nước chỉ làm rọ đá để kè chân khay chứ trong thiết kế phần này không đổ bê tông. Bởi vì giá trị công trình không lớn, vốn xây lắp chỉ hơn 900 triệu mà phải làm cả đường vuốt, kè và bến nên không trang trải được. Hơn nữa hiện tại đã có dự án do Sở Giao thông đầu tư phê duyệt đưa vào trung hạn làm cầu vượt lũ. Vì thế công trình này chỉ làm tạm vài mùa chứ không làm kiên cố”.
Sau khi PV nêu những phản ánh từ phía người dân, ông Lê Đức Khang-Trưởng Ban xây dựng cơ bản quả quyết: “Mục đích của công trình là phục vụ nhân dân, dù kinh phí hạn hẹp nhưng trong quá trình sử dụng có bất cập chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để xử lí nhằm phục vụ tốt nhất cho việc đi lại”.
Cuộc sống của người dân xóm 7, xã Hương Thủy đều gắn liền với bến đò này. Từ việc học hành, chợ búa đến sản xuất trồng trọt; từ việc đến chính quyền địa phương hay ra trung tâm huyện lị… Có thể nói người dân nơi đây như sống giữa ốc đảo và bến đò là cầu nối giữa họ với thế giới bên ngoài. Nếu được tính toán và cân nhắc thật kĩ trong khâu thiết kế thì sẽ không xảy ra hiện tượng vừa làm xong đã sửa.
Quốc Hoàn – Lê Tâm