Tin Hà Tĩnh

Cột điện “hợp chuẩn, hợp quy” bị đổ gãy hàng loạt, cơ quan nào chịu trách nhiệm

Trở lại vụ việc hàng loạt cột điện đường dây 35KV thuộc công trình di dời đường dây 35KV mạch kép - Dự án Khu đô thị và công viên hồ Ràng Ràng do UBND thị xã Kỳ Anh làm Chủ đầu tư mà Báo điện tử Xây dựng đã có bài phản ánh ở kỳ trước. Để bạn đọc có thêm thông tin về chất lượng xây dựng đường điện 35KV mạch kép, chúng tôi tiếp tục phản ánh những vấn đề liên quan đến quá trình thiết kế, thẩm tra, phê duyệt, thi công nghiệm thu so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành.

Phê duyệt hồ sơ thẩm tra kiểu “vô trách nhiệm”

Trước hết nói về sản phẩm cột điện 35V theo thuyết minh thiết kế công trình do Cty CP tư vấn và xây dựng Xuyên Việt lập, được Sở Công thương đóng dấu “Hồ sơ đã thẩm tra” không ghi ngày, tháng, năm nào, ai là người thẩm tra cũng không thấy ký tên, điều đặc biệt là trong thuyết minh phần cột điện thì chỉ vẻn vẹn một câu “Sử dụng cột bê tông ly tâm cao 20mD cho các vị trí đỡ, vị trí néo”.

Trong bản vẽ thì không thấy một chỗ nào thể hiện chi tiết về cấu tạo cột, chúng tôi lại phải tìm đến các chuyên gia ngành điện lực thì được các vị trả lời là sản phẩm cột điện hiện nay trên thị trường chủ yếu sử dụng cột chế tạo sẵn của các nhà máy đã được chứng nhận “Hợp chuẩn, hợp quy”. Khi nghe đến “Hợp chuẩn, hợp quy” chúng tôi lại phải lần theo các quy định sản phẩm “Hợp chuẩn, hợp quy” là gì thì vỡ vạc ra nhiều vấn đề cho thấy rằng cột điện được sử dụng trong công trình nêu trên bị đổ gãy là có nguyên nhân từ tư duy của các nhà kỹ thuật.

Để làm rõ vấn đề này chúng tôi xin trích tóm tắt một số thông tin cơ bản của các tiêu chuẩn đang hiện hành tại thời điểm 2015, cụ như sau:

Cột điện 20d sử dụng théo xoắn là sai quy định.

Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 5846-1994 cột điện bê tông cốt thép ly tâm – kết cấu và kích thước: Tiêu chuẩn này quy định kết cấu và kích thước của các loại cột điện bê tông cốt thép li tâm dài từ 10 đến 20m không dự ứng lực trước dùng làm cột điện các đường dây trên không và trạm điện. Cột có kết cấu bằng bê tông nặng và cột thép chịu lực cường độ cao. Kích thước cơ bản cột 20D có chiều dài 20m, đường kính ngoài đáy cột 456mm.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5847 -1994 cột điện bê tông cốt thép ly tâm – yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử: Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kĩ thuật và phương pháp thử của các loại cột điện bê tông cốt thép li tâm dài từ 10 đến 20 m không dự ứng lực trước dùng làm cột điện các đường dây trên không và trạm điện. Yêu cầu kỹ thuật: Cột phải được chế tạo theo đúng thiết kế phù hợp với TCVN 5574-1991 do cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và ban hành. Bê tông đúc cột là bê tông nặng mác không nhỏ hơn mác 300. Lực kéo đầu cột 20D là 1.300 kg.

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5574 -1991 kết cấu bê tông cốt thép - tiêu chuẩn thiết kế: Tiêu chuẩn này dùng để thiết kế kết cấu bê tông cốt thép của các loại công trình, trừ những kết cấu làm việc trong những điều kiện đặc biệt và các kết cấu chuyên ngành có chỉ dẫn thiết kế riêng. Khi thiết kế cần tạo sơ đồ kết cấu, chọn kích thước tiết diện và bố trí cốt thép đảm bảo được độ bền, độ ổn định và độ cứng không gian trong tổng thể, cũng như riêng từng bộ phận của kết cấu.

Trong các kết cấu thi công hay bản thuyết minh kèm theo phải ghi rõ những vấn đề cần thiết mà chưa thể hiện đầy đủ bằng hình vẽ để đảm bảo cho việc chế tạo và thi công được chính xác. Thiết lập thiết kế bản vẽ kế cấu bê tông cốt thép theo TCVN 2253-1997. Các yêu cầu về thành phần bê tông, nhóm cốt thép và khi cần thì ghi cả mác cốt thép, khoảng cách giữa các cốt thép tại các tiết diện chính, bề dày lớp bê tông bảo vệ sơ đồ của cấu kiện lắp ghép khi vận chuyển và cẩu lắp. Trong bản vẽ tổng thể của kết cấu ghi cả sơ đồ tính toán và sơ đồ tải trọng. Những yêu cầu tính toán cơ bản về kết cấu bê tông cốt thép cần phản thoã mãn những yêu cầu về tính toán theo 2 nhóm trạng thái giới hạn.

Theo nhóm trạng thái thứ nhất nhằm đảm bảo khả năng chịu lực của kết cấu: không bị phá hoại do tác dụng của tải trọng, không bị mất ổn định về hình dáng hoặc về vị trí, không bị phá hoại do tác động đồng thời của các nhân tố về lực và những ảnh hưởng bất lợi của môi trường.

Theo trạng thái giới hạn thứ hai nhằm đảm bảo sự làm việc bình thường của kết cấu: Khe nứt không mở rộng quá giới hạn cho phép, không có những biến dạng quá giới hạn cho phép.

Cột điện đổ đè lên nhà dân.

Nghiệm thu sản phẩm “Hợp chuẩn, hợp quy” kém chất lượng ai chịu trách nhiệm?

Quan sát tại hiện trường, chúng tôi đếm được 14 cột của hệ thống đường dây đều bị nghiêng, xô lệch so với vị trí ban đầu, trong đó 6 cột điện đã bị bật gốc và gãy ngang. Có những cột bị gãy ngang thành nhiều khúc trơ ra cốt thép. Nguy hiểm hơn, có những cột bật gốc, ngã đè lên mái nhà của người dân địa phương, rất may chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ở các cột 7, 7A, 7B và 7C đi theo vỉa hè của tuyến đường vào chợ trung tâm TX. Kỳ Anh được thiết kế, thi công ngay sát phần đất đã được cấp sổ đỏ của một số hộ dân khu vực tái định cư. Vi phạm khoảng cách hành lang an toàn và bảo vệ đường dây dẫn điện. Vi phạm “Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Điện lực về an toàn điện”.

Từ những Quy định trong các tiêu chuẩn trên, có thể thấy rằng một sản phẩm sản xuất muốn được chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật mà tiêu chuẩn quy định. Qua xem xét hồ sơ thiết kế và sản phẩm cột điện bị đổ gãy tại hiện trường để đối chiếu các yêu cầu của tiêu chuẩn thì thấy rằng sản phẩm cột bê tông ly tâm đưa vào sử dụng cho công trình không đúng quy định.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5846-1994 thì cột thiết kế phải có có kết cấu bằng bê tông nặng và cột thép chịu lực cường độ cao có cường độ Ra=10.800kg/cm². Trong khi đó theo quan sát của chúng tôi thì thấy rằng thép sử dụng cho công trình này là thép vằn, rõ ràng đây là loại cốt thường CT-III cường độ chịu kéo Ra=2.400kg/cm. Bê tông cột theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN5847-1994 thì bê tông đúc cột là bê tông nặng mác không nhỏ hơn mác 300#, qua quan sát bằng mắt thường và với kinh nghiệm chúng tôi đã chứng kiến ép mẫu bê tông một số công trình thì đối với bê tông mác 300# khi chịu nén đến cường độ phá vỡ cũng không thấy xảy ra hiện tượng vỡ vụn, nhưng đối với cột điện công trình này thì bê tông hầu như bị vỡ vụn rời rạc như cấp phối đá dăm, qua đây chúng tôi đặt nghi vấn chất lượng bê tông cũng có vấn đề.

Một vấn đề nữa mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này đó là việc tuân thủ các quy định của các bên có liên quan chưa thực hiện nghiêm túc đầy đủ của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng: Đối với công tác thiết kế sản phẩm thiết kế sử dụng cột bê tông ly tâm 20mD không có chỉ dẫn kỹ thuật để làm cơ sở để quản lý thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình, tuy nhiên các bên vẫn tiến hành thi công nghiệm thu thì chưa rõ là căn cứ vào đâu để nghiệm thu.

Qua những phân tích trên cho thấy quá trình từ khâu thiết kế, thẩm tra, phê duyệt đến thi công nghiệm thu không tuân thủ yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành mới xảy ra sự cố cột gãy hàng loạt gây nên nhiều hệ luỵ, mất lòng tin với nhân dân đang sử dụng đường diện kém chất lượng này.

Ở bài viết trước, chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều tra xử lý, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn rơi vào lặng im.

Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng cấp có thẩm quyền cần sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng, kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Nhóm PVĐT

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP