Người đương thời

Hà Tĩnh: Chàng trai vào núi lập trang trại kiếm 1 tỷ đồng/năm

Tốt nghiệp lớp 12, khác với bạn bè cùng trang lứa tiếp tục khăn gói ra thành phố chen vào các lò ôn thi ĐH, Lê Khánh Toàn (SN 1982, ở xã Bồng Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đã một mình âm thầm vác cuốc, xẻng, đèn dầu, quẩy nồi niêu vào núi lập nghiệp.

hatinh24h hatinh24h 01
Toàn đang chăm sóc những cây cam tại trang trại của mình. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Sáu tháng đầu sụt gần 10kg

Kể lại quãng thời gian bắt đầu lên núi lập nghiệp, Toàn cho biết: “Mới đầu lên núi không điện, chỉ loe hoe đèn dầu, côn trùng bay như trấu. Sáu tháng đầu tôi sụt 6kg, từ 52kg chỉ còn 46kg. Những ngày đầu vào núi sáng tôi dậy sớm đóng cọc, dựng lều, che phên, kê phản, lầm lũi bạt núi, xẻ đồi, lên luống đào hố, bất chấp mưa nắng. Tối không nhìn rõ mặt người tôi mới nghỉ. Da đen, tay chai. Rồi ốm. Một mình trụ trên núi cũng nhiều khi định bỏ về. Nhưng rồi đêm nằm nghĩ lại, bỏ về là đầu hàng, là thất bại, nên tôi cắn răng, bám trụ để sinh cơ lập nghiệp”.

Nói về động lực lựa chọn con đường ở lại cắm chân trên mảnh đất của quê hương, Toàn chậm rãi: “Tôi đã chứng kiến quá nhiều bạn trẻ ở quê, học xong lớp 12  đều ra đi hoặc lựa chọn trường ĐH, CĐ để lập nghiệp hoặc vào các khu công nghiệp trong Nam tìm việc và kết quả là nhiều bạn nợ nần, không có việc làm, lại quay về quê bám bố mẹ. Không nói đâu xa, anh trai đầu tôi học cao đẳng tại Sài Gòn, kết quả là 8 năm sau trở về với bàn tay trắng. Trong lúc đó, ở quê còn nhiều đất trống, đồi hoang. Nhà có hơn 1ha để sim, mua mọc nên cuối lớp 10 tôi quyết định sẽ ở lại khai thác đất đồi lập trang trại cây ăn quả”.

Ba, bốn năm đầu, Toàn đối mặt với vô vàn khó khăn về vốn, về cây giống. “Ba trăm gốc cam đầu tiên tôi phải tiêu hủy vì bệnh xanh gân vàng lá, do khâu chọn giống không tốt. Nhưng tôi không nản chí mà quyết tâm làm lại từ đầu”, Toàn nói.

Phòng tân hôn là túp lều trên núi

Cảm phục ý chí của Toàn, chị Nghiêm Thị Thu Thủy đem lòng yêu mến. Cũng giống Toàn, Thủy không thi đại học mà chọn con đường sát cánh với Toàn “Chúng em cưới nhau đưa dâu về túp lều trên núi này luôn”, Thủy cho biết.

Nhờ khát vọng đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình, lại được sự cổ vũ của người vợ nên Toàn đã dốc toàn tâm, toàn lực tập trung vào mô hình trang trại vườn – ao – chuồng. Mô hình này không chỉ cho vợ chồng Toàn thu nhập đủ để tái sản xuất mà còn có tích lũy. Năm 2008, vợ chồng Toàn đã xây được nhà.  Ngôi nhà hai tầng giữa núi rừng với đầy đủ tiện nghi, hòa cùng tiếng cười nói của những đứa trẻ. Bây giờ thì điện đã vào tận nhà, đường đã được bê tông hóa..

Hơn 10 năm vừa làm, vừa học, Toàn đã rút được nhiều kinh nghiệm. Năm 2014, chỉ riêng cam, chanh đã cho Toàn thu nhập 1 tỷ đồng. Từ thành công của Toàn, không chỉ bà con Thượng Bồng, mà nhiều người trong, ngoài huyện đến tham quan, học hỏi. Anh Lê Văn Ái người cùng quê, (SN 1978), mồ côi bố từ nhỏ, nhà nghèo lại đông em làm không đủ ăn. Nhờ sự giúp đỡ của Toàn cấp giống, hướng dẫn trồng, chăm sóc, đến nay mỗi năm anh Ái đã có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Anh Trần Văn Tuấn (ở xã Đức Hương), tâm sự: “Tốt nghiệp lớp 9, tôi đi bộ đội. Xong nghĩa vụ  trở về, muôn vàn khó khăn. Tình cờ gặp Toàn tại Hội nghị Thanh niên làm kinh tế giỏi. Toàn đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê và niềm tin có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương, không cần đi bất cứ nơi đâu. Hiện nay, tôi thu nhập từ trang trại 500 triệu đồng/năm”. Còn anh Trần Đức Vương (xã Đức Liên) được Toàn “cầm tay chỉ việc”. “Tôi phục cậu ấy. Cậu ấy đã xóa được định kiến về đất rừng Bồng Thượng, Đức Liên cằn cỗi mần không ra ăn. Nhờ cậu ấy mà tôi thoát đói nghèo”.

Từ mô hình của vợ chồng Toàn, huyện Vũ Quang đã phát triển được hàng trăm mô hình trang trại và gia trại. Họ có niềm tin để đầu tư, có người mở đường để học hỏi. Chị Phan Thị Yến (Huyện ủy Vũ Quang) cho biết: “Quá trình phấn đấu của anh Toàn giúp cho bạn trẻ con đường lập thân lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Chứ đâu phải chỉ có một con đường duy nhất là vào đại học”.

Lê Văn Vỵ/Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP